Thương mại điện tử là lĩnh vực hoạt động kinh tế không còn xa lạ với nhiều quốc gia, bởi những tính ưu việt của nó như tiết kiệm thời gian, nhân lực, chi phí cho những giao dịch kinh tế. Trong khi cách làm truyền thống khi giới thiệu sản phẩm là phải chuyển hàng hóa sang tận nơi, những hàng mẫu này có thể mất hàng tháng mới có thể đến được các thị trường tiềm năng, dẫn đến chi phí cao và sản phẩm có thể giảm sức cạnh tranh. Do đó, việc áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh là một xu thế tất yếu của thời đại, và Việt Nam trong quá trình hội nhập cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển chung đó.
Thương mại điện tử có ảnh hưởng quan trọng đến tăng trưởng kinh tế của một quốc gia. Đối với Việt Nam, thương mại điện tử đóng góp khoảng gần 3 tỉ USD (năm 2014) và con số này tăng mạnh mỗi năm. Lợi ích của thương mại điện tử là không thể phủ nhận. Đối với doanh nghiệp nó giúp doanh nghiệp mở rộng và tiếp cận thị trường không chỉ phạm vi một quốc gia mà toàn cầu, hoàn thiện chuỗi cung ứng, đáp ứng những nhu cầu cá biệt của khách hàng và cải thiện quan hệ khách hàng, cắt giảm chi phí kinh doanh, đơn giản hóa hoạt động quản trị…
Ở Việt Nam hiện nay, để mở rộng thị trường luôn có hai hình thức cùng tồn tại đó là xúc tiến thương mại truyền thống và xúc tiến thương mại điện tử (truyền thông marketing tích hợp IMC). Cách thức hoạt động của xúc tiến thương mại điện tử gồm các thông điệp được gửi qua internet và các ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp cận tới khách hàng. Sản phẩm ngành đúc – cơ khí đang tiếp cận thị trường theo hình thức này. Các doanh nghiệp trong ngành đang sử dụng công cụ chính là: quảng cáo trực tuyến, xúc tiến bán hàng điện tử, quan hệ công chúng điện tử, marketing điện tử trực tiếp. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng tận dụng được những ưu điểm của xúc tiến thương mại điện tử để mở rộng thị trường. Theo khảo sát trong khuôn khổ Đề án phát triển thương mại điện tử của Hải Phòng giai đoạn 2015 – 2020, tầm nhìn 2030, chỉ có 3/9 doanh nghiệp đúc cơ khí đã xây dựng website. Thị trường tiêu thụ sản phẩm đúc – cơ khí có nhiều tiềm năng và nhu cầu thực tế cho thị trường này là rất lớn, không chỉ trong nước mà còn ra phạm vi toàn cầu. Để khai thác được tiềm năng ấy, các doanh nghiệp ngành công nghiệp đúc – cơ khí cần hiểu rõ bản chất của thương mại điện tử, ứng dụng hiệu quả hình thức này nhằm phát triển thị trường, tìm kiếm đối tác, nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ của khách hàng.
Một số ứng dụng thương mại điện tử mà doanh nghiệp có thể triển khai để mở rộng thị trường như là:
- Xây dựng website thương mại điện tử
- Triển khai marketing trực tuyến
- Đào tạo nhân lực về marketing trực tuyến
- Một số hoạt động thực tiễn xúc tiến mở rộng thị trường trong và nước: Tìm hiểu dịch vụ tìm kiếm TraderFax; Tìm kiếm đối tác trực tuyến thông qua các tổ chức xúc tiến thương mại ở Việt Nam; Tìm kiếm đối tác trực tuyến thông qua các danh bạ Internet …
Văn phòng NSCL (tổng hợp)