Thực trạng ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam

Ngành công nghiệp phụ trợ CNPT ngày càng chứng tỏ vai trò trong nền kinh tế nói chung và các ngành công nghiệp nói riêng cụ thể như công nghiệp cơ khí, công nghiệp ô tô, công nghiệp đóng tàu hay dệt may ở Việt Nam. Việt Nam chưa có định nghĩa chính thức về CNPT, tuy nhiên CNPT được hiểu là các ngành công nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, phụ kiện, phụ tùng linh kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng. Sản phẩm CNPT thường được sản xuất với quy mô nhỏ, thực hiện bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Trong thời gian qua, nhà nước đã có những định hướng ưu đãi cho các DNPT tuy nhiên, quy mô của ngành này còn chưa phát triển tương xứng với vai trò của nó và cũng chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước.

Thực vậy, trước những năm 2006, phần lớn các doanh nghiệp thuộc ngành này là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn nhà nước, chưa chủ động đổi mới, tìm kiếm thị trường nên năng suất và hiệu quả sản xuất còn rất yếu. Hơn nữa, đối với những doanh nghiệp đang hoạt động, chất lượng sản phẩm thấp và kém ổn định không đáp ứng yêu cầu của khách hàng, hoặc chất lượng sản phẩm thường giảm dần sau các lần cung ứng. Nguyên nhân do ngành này chủ yếu gồm các doanh nghiệp nhà nước, hay tư nhân, sản xuất cá thể, nhỏ lẻ, chưa được kiểm soát hay quản lý chất lượng bài bản hiệu quả.

Những năm sau đó, đã xuất hiện thêm nhiều doanh nghiệp liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài, tuy nhiên ở giai đoạn đầu của chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của nước ta khi chưa gia nhập WTP và AFTA, các doanh nghiệp này chủ yếu đầu tư vào Việt Nam với mục đích mở rộng thị trường, chỉ đầu tư và lắp ráp sản phẩm tiêu thụ trong nước mà không thực sự đầu tư về công nghệ hay chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Kết quả là những gì mà Việt Nam thu được chỉ là kinh nghiệm về tổ chức sản xuất hay quản lý chất lượng.

Sau khi đã gia nhập WTO, AFTA, có nhiều doanh nghiệp nước ngoài mong muốn được đầu tư, phát triển lâu dài ở Việt Nam thì trở ngại lớn nhất của Việt Nam đó là năng lực sản xuất của ngành CNPT còn quá yếu, nên mặc dù họ đầu tư dây truyền công nghệ sản xuất hiện đại nhưng linh kiện vẫn phần lớn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng không còn lợi thế về giá nhân công như trước kia nữa, do tình trạng lạm phát kinh tế ở Việt Nam. Vì vậy, vẫn còn nhiều bất cập trong phát triển công nghiệp

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 500 doanh nghiệp cung ứng sản phẩm cho ngành công nghiệp ô tô, xe máy và dệt may, còn lại phần lớn linh kiện vẫn được nhập khẩu từ nước ngoài, cụ thể đối với ngành ô tô, chỉ cung ứng được 20 – 30% và dệt may và da giầy là 10% so với nhu cầu thực tế.

Đối với ngành công nghiệp ô tô, theo hoạch định đến năm 2010 thì “tỉ lệ nội địa hóa (40-60%), tự chủ công nghệ, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước (60-80%), hướng tới xuất khẩu ô tô và phụ tùng”. Mặc dù vậy, thì sau hai chục năm đầu tư và phát triển, thì con số tỉ lệ nội địa hóa với xe con và xe chuyên dụng chưa tới 20%, ngay cả với Tổng công ty Máy động lực Máy nông nghiệp với sự đầu tư tập trung cũng chỉ nội địa hóa được tối đa 20%. Một thực tế đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đó là thị trường ô tô chưa được mở ra như mong đợi, sản lượng thấp, chất lượng thua kém so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại, khả năng cạnh tranh kém hơn mặc dù nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ. Chính điều này dẫn đến sản lượng sản xuất thấp, khó có thể đầu tư vào ngành CNPT.

Ngành công nghiệp xe máy lại phát triển khá thành công do thị trưởng và nhu cầu người dân lớn. Đã có khoảng 60 doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp xe máy ở Việt Nam với sản lượng khoảng 5 triệu xe/năm (số liệu Bộ Công thương năm 2012). Đây là nguồn cầu lớn cho ngành DNPT xe máy. Đến nay Việt Nam đã tự sản xuất được 70% các loại linh kiện, phụ tùng xe máy. Mặc dù vậy, giá thành linh kiện, phụ tùng còn cao và chất lượng cũng không ổn định.

Số liệu thống kê gần đây của Bộ Công Thương, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam cho nguyên liệu đầu vào, thiết bị, máy móc và phụ tùng sản xuất vẫn lên đến 80%. Vậy đâu là nguyên nhân của thực trạng này. Ngành cơ khí chế tạo chưa có sự chuyển biến tích cực, thậm chí còn tụt hậu so với các nước trong khu vực. Công nghệ sản xuất lạc hậu, đơn giản, trình độ tụt hậu khoảng 2 – 3 thế hệ so với khu vực, tính năng kỹ thuật, độ chính xác kém, thiếu vốn đầu tư, nâng cấp hay đổi mới là một trong những nguyên nhân chính. Cụ thể, kinh nghiệm của Việt Nam về đúc chính xác chưa có; công nghệ cán, rèn hay dập còn yếu kém; khâu nhiệt luyện và xử lý chất lượng bề mặt sản phẩm cơ khí chưa đạt yêu cầu. Hay đối với công nghiệp chế tạo giàn khoan dầu khí thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp cơ khí trong nước, sản phẩm chưa phù hợp với môi trường biển, dầu khí dễ cháy nổ ….

Như vậy, có thể thấy ngành CNPT còn rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới. Năm 2014, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 9028/QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Với mục tiêu đảm bảo đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp. Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất (đến năm 2030, tỷ lệ này là 70%) tiêu dùng nội địa, xuất khẩu 25% giá trị sản xuất công nghiệp.

Văn phòng NSCL (tổng hợp)

Tin mới