Hiện trạng về năng suất chất lượng ngành dệt may
Ngành dệt may là một trong những ngành công nghiệp chủ lực đang đem lại nhiều giá trị kinh tế của nước ta. Trong mười năm trở lại đây, hàng hóa dệt may trong nước đã không ngừng được cải thiện về chất lượng và nhận được nhiều phản hồi tốt từ khách hàng. Nhờ phát huy những ưu thế cạnh tranh về chi phí đầu vào thấp (chi phí nhân công , chi phí thuê đất, tiền điện, nước…) và nhu cầu về sợi dệt trên thế giới đang dần tăng cao, ngành dệt may Việt Nam đang có nhiều tiềm năng tìm được chỗ đứng của mình tại thị trường trong nước cũng như quốc tế.
Mặc dù vậy, hiện tình hình năng suất, chất lượng của sản phẩm dệt sợi trên địa bàn tỉnh còn chưa đồng đều, cũng có một số đơn vị cho năng suất lao động cao, chất lượng tốt nhưng cũng có đơn vị hoạt động không hiệu quả, năng suất lao động thấp và chất lượng kém. Lao động trình độ cao, dây chuyền công nghệ hiện đại và việc hệ thống hóa quy trình sản xuất là những gút mắc cần giải quyết.
Tính trên cả nước, Năm 2012, năng suất ngành sợi trung bình đạt khoảng 1.340 tấn/vạn cọc sợi, dao động trong khoảng từ 1.000-2.200 tấn/vạn cọc sợi. Ngành may có nhu cầu sử dụng khoảng 7 tỷ mét vải trong khi tổng lượng vải sản xuất trong nước chỉ đạt khoảng 1 tỷ mét, nước ta phải nhập khẩu 6 tỷ mét vải, tương đương 86% tổng nhu cầu. Đến năm 2017, con số này đã lên tới 1,2 triệu tấn sợi bông nhập khẩu, tương đương với 5.508 kiện, tăng 20% so với niên vụ trước. Dựa trên các tiêu chí như mức độ phát triển trung bình của ngành quay sợi Việt Nam, nhu cầu sợi bông trên thế giới và những dự báo tích cực về nguồn cung bông toàn cầu, sản lượng sợi bông Việt Nam nhập khẩu tiếp tục tăng lên mức 1,38 triệu tấn, tăng 15% so với niên vụ trước.
Nhìn chung, chất lượng sản phẩm là lý do chính khiến ngành dệt sợi nước ta còn phụ thuộc nhiều vào các sản phẩm nhập khẩu, do đó việc thực hiện các biện pháp cải thiện năng suất chất lượng là vô cùng cần thiết.
Giải pháp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm dệt may
Giải pháp chung để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm dệt may bao gồm công tác đào tạo nâng cao năng lực nguồn nhân lực quy hoạch cán bộ, đào tạo, tuyển dụng, cơ chế thu hút người lao động có trình độ quản lý, kỹ thuật và công nhân lành nghề.
Đối với công tác quản lý, việc áp dụng hệ thống các tiêu chuẩn về quản lý như ISO 9001, ISO 14001, SA8000, WRAP, ISO/IEC 17025, ISO 50001, ISO 26000… các hệ thống về chất lượng sản phẩm và phương pháp thử của châu Âu (EN), của Mỹ (ASTM, AATCC), của Nhật Bản (JIS) hay tiêu chuẩn quốc tế ISO… chính là giải pháp hàng đầu. Thông qua đóm các doanh nghiệp có thể xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong ngành dệt may hài hòa với hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, chuyên môn hóa sản phẩm và dành được nhiều hơn sự quan tâm tới người lao động.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp cải thiện công tác quản lý là sự ủng hộ từ lãnh đạo DN. Lãnh đạo DN phải luôn có tinh thần cầu thị, không ngừng cải tiến và sẵn lòng chia sẻ, có cam kết dấn thân lâu dài vì lợi ích nhà máy và tập thể người lao động, phân định trách nhiệm rõ ràng từng vị trí công việc từ Giám đốc đến công nhân khi có vấn đề phát sinh sẽ có địa chỉ cụ thể chịu trách nhiệm xử lý.
Mặt khác, môi trường làm việc trong nhà máy, phân xưởng, đảm bảo nhà xưởng cũng cần được cải thiện. Môi trường phải luôn thông thoáng, độ ẩm ổn định và phù hợp công nghệ, sạch sẽ nề nếp thông qua việc chuẩn hóa hệ thống điều không thông gió và hút bụi trong gian máy.
Để làm được điều này, DN cần cải tạo, đầu tư bổ sung, thay thế các hệ thống quạt hút, thổi nhằm đảm bảo ôn ẩm độ trong gian máy tối ưu nhất phù hợp với yêu cầu công nghệ; Thay thế các mô tơ quạt hút thổi bụi có công suất phù hợp, thường xuyên vệ sinh công nghiệp các khu vực lồng lọc bụi, túi lọc bụi.
Cuối cùng, dựa trên nền tảng về công tác quản lý và môi trường làm việc đã được cải thiện, việc đầu tư, cải tiến hệ thống máy móc thiết bị mới, hiện đại sẽ đem lại hiệu quả tối ưu. ĐIển hình như: Cải tiến công tác tính toán định mức kinh tế kỹ thuật; Cải tiến các quy trình công nghệ: cắt, may nẹp, dập khuy… Đầu tư mới hoặc hoàn thiện các phần mềm quản lý sẵn có và các phần mềm thiết kế sản phẩm như: Lectra, Gerber, Optitex…
Trong tương lai, để tiếp tục nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm toàn ngành và mở rộng phạm vi doanh nghiệp áp dụng các công cụ, hệ thống nâng cao năng suất chất lượng, các cơ quan quản lý ngành dệt may cần có những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp không chỉ về mặt chính sách mà còn cả về tài chính và kỹ thuật.
Văn phòng NSCL tổng hợp