Trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay, các yếu tố chất lượng, chi phí và giao hàng đang trở thành chiến lược kinh doanh quan trọng dẫn đến thành công trong hầu hết các tổ chức. Sản xuất tinh gọn đem lại nhiều lợi ích trong hoạt động vận hành, hỗ trợ các yếu tố chất lượng, chi phí, giao hàng trong tổ chức bằng cách tập trung vào việc loại bỏ lãng phí như (1) lãng phí do sai lỗi, (2) lãng phí do sản xuất thừa, (3) lãng phí do chờ đợi (4) lãng phí do vận chuyển (5) lãng phí trong quá trình hoạt động (6) lãng phí do tồn kho và (7) lãng phí về thao tác.
Lãng phí phát sinh trong sản xuất có mối quan hệ chặt chẽ với sự sẵn sàng của máy móc thiết bị. Sự cố hay hỏng hóc thiết bị sẽ dẫn đến các sản phẩm kém chất lượng và hậu quả là giao hàng chậm. Do đó, quản lý bảo trì có hệ thống và có chiến lược, như TPM, trong việc duy trì thiết bị sản xuất thực sự có ý nghĩa nhằm hỗ trợ sự thành công sản xuất tinh gọn. Thông qua quản lý bảo trì chiến lược, các sai lỗi và biến thể có thể được loại bỏ tại nguồn.
Triết lý của TPM tập trung vào việc tối ưu hóa thiết bị và năng suất quá trình, trong khi việc sản xuất tinh gọn lại ở góc độ rộng lớn hơn, giải quyết các vấn đề về loại bỏ lãng phí (lao động, thời gian, chi phí, hàng tồn kho …). Phương pháp luận TPM đã được công nhận là quy trình đã được kiểm chứng để duy trì nhà máy và thiết bị đạt được mức độ hiệu quả tối ưu. Nó có một tác động đáng kể trong việc cải thiện chi phí hoạt động, chất lượng cao và hiệu suất giao hàng đáng tin cậy.
Nhiều công ty lựa chọn thực hiện một trong hai – TPM hoặc sản xuất tinh gọn để cải thiện chiến lược kinh doanh. Tuy nhiên, việc thực hiện riêng biệt sẽ đòi hỏi quy mô lớn về các nguồn lực cũng như các vấn đề liên quan đến việc chạy dự án trong công ty. Việc tích hợp TPM với sản xuất tinh gọn sẽ tạo thành một tập hợp toàn diện và nhất quán các thực tiễn sản xuất hướng đến việc cải thiện năng suất. Nếu không có TPM bổ sung, sáng kiến sản xuất tinh gọn sẽ không thể thực hiện được. Việc quản lý nhà máy cũng sẽ hiệu quả hơn nếu các sáng kiến này được tích hợp vào một thực tiễn sản xuất. TPM hoặc sáng kiến sản xuất tinh gọn đều có sức mạnh riêng và có tác động đáng kể để hỗ trợ lẫn nhau. Cần có một nghiên cứu sâu hơn để lồng ghép toàn diện hai sáng kiến này.
TPM đóng vai trò bổ sung quan trọng để hỗ trợ sự thành công của sản xuất tinh gọn vốn không được khái quát hóa trong một số nghiên cứu liên quan đến sản xuất tinh gọn.
Moayed và Shell (2009) đã xem xét vai trò của TPM trong sản xuất tinh gọn và kết quả để lại trong nhiều tài liệu. Dựa trên nghiên cứu so sánh giữa các công ty không áp dụng sản xuất tinh gọn (không lean) so với các công ty có áp dụng (lean), họ nhấn mạnh rằng chức năng bảo trì, đặc biệt là TPM có vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi các công ty không lean sang công ty lean. Do đó, nó là một trong những cách tiếp cận quan trọng trong thành công hàng đầu để thực hiện sản xuất tinh gọn.
Các tài liệu hiện có hầu hết điều tra mối quan hệ của TPM và sản xuất tinh gọn trong phạm vi rộng. Trong phạm vi hiểu biết của tác giả, nghiên cứu toàn diện có sẵn để tích hợp thành phần TPM vào sản xuất tinh gọn vẫn còn hạn chế. Một sự tích hợp toàn diện được đề xuất để nghiên cứu sâu hơn hai phương pháp này chứ không chỉ tập trung vào một phương pháp.
Văn phòng NSCL biên dịch
Nguồn: www.sciencedirect.com