Thúc đẩy tăng năng suất lao động nội ngành

Tại cuộc làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây, Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng đã đưa ra khuyến nghị: Thúc đẩy tăng năng suất lao động trong nội tại các ngành kinh tế cần được coi là mệnh lệnh chính trị để tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế thời gian tới.

Ông Ngô Văn Tuấn – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, năng suất lao động của Việt Nam đã và đang có sự cải thiện đáng kể, ước tính đạt khoảng 4.100 USD/lao động trong năm 2017, tăng 5,9% so với năm 2016, cao hơn mức tăng bình quân 4,5% của giai đoạn 2011-2016. Đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế cũng đang ngày càng cao, trong 2 năm 2016-2017 vừa qua ước tính TFP đã tăng khoảng 2,26%, đóng góp khoảng 35,4% vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, tăng năng suất lao động của Việt Nam mới thể hiện ở chiều rộng, chưa phản ánh chiều sâu, bởi vẫn là do nhờ chủ yếu vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt năng suất lao động trong nội tại của từng ngành kinh tế hiện nay vẫn còn chậm cải thiện. Theo đánh giá của Tổ Tư vấn kinh tế, động lực giúp cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2017 và quý I-2018 (7,1%) cao nhất so với hàng chục năm lại đây là nhờ công cuộc cải cách đã được Chính phủ thực hiện với nhiều giải pháp cụ thể, đồng bộ, quyết liệt, nhờ vậy mà môi trường kinh doanh đã ngày càng thông thoáng, thuận lợi, minh bạch hơn, từ đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong những năm tới, những nỗ lực cải cách cần phải tạo được động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế dựa trên cơ sở thúc đẩy tăng năng suất lao động trong nội tại của các ngành kinh tế. Thực tế mức năng suất lao động của Việt Nam đạt được hiện nay vẫn thấp so với nhiều nước trong khu vực và thế giới cũng như so với nhu cầu phát triển của nền kinh tế đất nước. Tốc độ tăng năng suất lao động vẫn còn thấp hơn khá xa so với tốc độ tăng GDP bình quân trong giai đoạn vừa qua, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng lương thực tế bình quân (khoảng 12,59%/năm). Điều này cũng có nghĩa là chi phí sản xuất ở Việt Nam vẫn đắt đỏ khiến tính cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, thậm chí suy giảm, có thể dẫn đến nguy cơ suy giảm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các nhà đầu tư có thể chuyển địa điểm sản xuất sang các nước có chi phí rẻ hơn, khi đó áp lực đối với tăng trưởng kinh tế là rất lớn. Nâng cao năng suất là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Chỉ có tăng năng suất lao động Việt Nam mới có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, cần phải tiếp tục kiên trì theo đuổi mô hình tăng trưởng mới dựa vào tăng năng suất lao động và đổi mới sáng tạo. Các chính sách thúc đẩy phát triển nền kinh tế trong năm 2018 và các năm tới đây cần tiếp tục ưu tiên tập trung cho các mục tiêu hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí kinh doanh…

Nguồn: Baocongthuong.com.vn

Tin mới