Từ nguồn vốn chương trình khuyến công, Trung tâm khuyến công – Sở Công Thương Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ nhiều cơ sở làng nghề sản xuất, chế biến nông sản, đặc sản, công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu và giải quyết công ăn việc làm cho người dân.
Năm 2019 tổng kinh phí hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 2,6 tỷ đồng, trong đó hoạt động khuyến công quốc gia là 960 triệu đồng và khuyến công địa phương gần 1,7 tỷ đồng. Nguồn vốn khuyến công tập trung hỗ trợ cho nhóm hàng chủ lực của tỉnh nhằm góp phần phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn, không chỉ hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, chế biến có quy mô, hoạt động lâu năm mà còn hỗ trợ cho các cơ sở, hợp tác xã mới thành lập.
Tổ hợp tác thu mua mướp đắng Tây Hoàng (xã Quảng Thái, Quảng Điền) mới thành lập 4/2019, gồm 9 thành viên, chuyên thu mua sản phẩm mướp đắng của người dân trên địa bàn để cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Sau khi tham quan học tập các mô hình sản xuất mướp đắng khô, trà mướp đắng tại các tỉnh, thành phố phía Bắc và làm việc với các đối tác, cơ sở quyết định đầu tư máy sấy để phục vụ công đoạn sấy khô sản phẩm với tổng kinh phí 220 triệu đồng. Được hỗ trợ 87 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến Công, tổ mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư máy và ứng vốn cho bà con mở rộng diện tích trồng mướp đắng, đáp ứng nguồn nguyên liệu sau khi đưa máy vào hoạt động.
Hợp tác xã nông nghiệp Hiền Lương (huyện Phong Điền) được hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến đã đầu tư máy móc làm sạch và phân loại hạt giống sau gần chục năm tự làm sạch và phân loại hạt giống bằng phương pháp thủ công. Sau nửa năm hoạt động, công suất phân loại giống đã tăng từ 3 tấn/ngày lên 15 tấn/ngày, giảm 3 nhân công/ngày, từ đó giảm chi phí sản xuất từ 80.000 đồng/tấn xuống còn 33.000 đồng/tấn đồng thời tăng chất lượng lúa giống phục vụ bà con nông dân.
HTX Võ Văn Dinh, từ một cơ sở nghề quy mô nhỏ, vài chục công nhân với doanh thu mỗi năm chưa tới 1 tỷ đồng. Sau khi tiếp nhận vốn khuyến công, HTX giảm dần các công đoạn thủ công và đưa cơ giới hóa vào sản xuất, đến nay sản phẩm làm ra không đủ cung ứng cho thị trường, doanh thu năm 2019 đạt trên 5 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2018.
HTX Mây tre đan Bao La (Quảng Điền) được hỗ trợ vốn khuyến công đầu tư máy khắc cắt laser nhờ đó tất cả các sản phẩm do HTX làm ra đều được khắc lôgô, tên thương hiệu, phong cảnh Huế hay tên các DN, phong cảnh do đối tác yêu cầu, góp phần giúp HTX nhận diện thương hiệu và đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Nhờ hỗ trợ nguồn vốn khuyến công, Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Havi (Công ty Havi) ở cụm công nghiệp Thủy Phương (TX. Hương Thủy) đã chuyển dần từ sản xuất thủ công sang các quy trình máy móc, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tiết giảm nhân công. Doanh nghiệp cũng mạnh dạn vay vốn để đầu tư máy phun nhựa công suất 14 lít nhựa/phút, tổng kinh phí gần 200 triệu đồng, trong đó nguồn vốn KC hỗ trợ gần 80 triệu đồng. Sau gần 1 năm hoạt động, máy phun nhựa cho năng suất cao hơn gấp 50 lần so với phun thủ công, đồng thời sản phẩm làm ra đẹp và đều màu hơn, giảm tổn thất về nguyên liệu và chủ động nhận các đơn hàng lớn.
Để hoạt động khuyến công năm 2020 hiệu quả hơn nữa, Phó giám đốc Sở công thương Thừa Thiên Huế nhấn mạnh Sở sẽ hỗ trợ vốn khuyến công dưới hình thức đề án cụm, chuỗi và hạn chế hỗ trợ cho các cơ sở đơn lẻ nhằm tạo sự liên kết giữa các doanh nghiệp và các cơ sở công nghiệp nhỏ góp phần mang lại hiệu quả tập thể và tránh lãng phí các thiết bị máy móc.
Văn phòng NSCL tổng hợp