Thừa Thiên Huế: Cải tiến quy trình sản xuất tại làng nghề

Thông qua việc cải tiến quy trình sản xuất tại làng nghề, nhiều HTX sản xuất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhận được nhiều thành quả thiết thực.

Hạn chế do thủ công

Giám đốc HTX Mây tre đan Bao La – ông Võ Văn Dinh cho biết, đến thời điểm này, sản phẩm của HTX làm ra không đủ để cung ứng cho thị trường, nhiều đơn hàng phải hủy bỏ do không đáp ứng đủ số lượng. Trong khi đó, thu nhập của người lao động chưa cao do năng suất thấp, ảnh hưởng đến tiến độ công việc.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đa số các công đoạn sản xuất các sản phẩm, như: đèn bát, đèn ngủ, khay trà, lồng bàn, khay mứt, rổ, rá và các sản phẩm trang trí nội ngoại thất được sản xuất từ mây, tre đều làm thủ công nên mất nhiều thời gian, năng suất thấp và số lượng ít nên không đáp ứng các đơn đặt hàng lớn.

Chủ cơ sở Cỏ Bàng NX Nguyễn Viết Nam trăn trở, nếu như làng nghề có máy đập cỏ bàng thì người dân làng nghề bớt khổ. Bởi, lâu nay các công đoạn để tạo ra các sản phẩm, như túi xách, mũ, hộp đựng bút, khung ảnh… đều làm thủ công nên năng suất thấp dẫn đến giá thành cao, khó cạnh tranh với các sản phẩm trên thị trường.

Tăng giá trị

Cuối năm 2018, thông qua nguồn vốn khuyến công, Sở Công thương hỗ trợ HTX Dệt thổ cẩm A Co 35 triệu đồng trang bị máy sản xuất sản phẩm vải zèng bao gồm bộ dàn khung dệt cải tiến và các phụ kiện đi kèm, công suất 30m vải/ngày.

Giám đốc HTX, bà Trương Thị Huyền cho biết, sau khi đưa máy dệt vào hoạt động, năng suất dệt tăng lên gấp 4-5 lần so với dệt thủ công, đồng thời giá thành hạ và chất liệu vải mềm, mát nên các trường học trên địa bàn huyện đã đặt may đồng phục học sinh với số lượng lớn, góp phần khôi phục nghề truyền thống và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Cũng trong năm 2018, HTX Mây tre đan Bao La được Sở Công thương hỗ trợ 50% kinh phí trang bị máy khắc cắt laser khắc các biểu tượng Huế, linh vật lên sản phẩm mây tre đan nhằm nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm.

“Hiện, HTX đã có máy khắc để khắc tên, lô gô lên sản phẩm để nhận diện thương hiệu sản phẩm làng nghề, song các công đoạn khác vẫn còn làm thủ công do thiếu vốn nên chưa thể nhận các đơn hàng lớn”, ông Dinh chia sẻ.

Chuyển giao công nghệ

Tháng 3/2019, UBND tỉnh phê duyệt đề án “Phát triển CNNT đến năm 2025” với tổng nguồn vốn gần 1.900 tỷ đồng, trong đó đề án sẽ đầu tư khoảng 110 tỷ đồng đầu tư chuyển giao công nghệ và máy móc, thiết bị tiên tiến trong phát triển CNNT; phát triển ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản; dự án khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống; nâng cao năng suất, chất lượng một số sản phẩm CNNT tiêu biểu…

Phó Giám đốc Sở Công thương, ông Nguyễn Lương Bảy cho rằng, cùng với đề án phát triển CNNT, Sở tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ các làng nghề trong việc đầu tư máy móc thiết bị, cải tiến mẫu và xây dựng thương hiệu thông qua nguồn vốn khuyến công, vốn khôi phục và phát triển nghề.

Năm 2019 sẽ áp dụng đối với các làng nghề truyền thống như mây tre đan Bao La, làng bún Vân Cù, Ô Sa, mộc mỹ nghệ…; trong đó, sẽ hỗ trợ khâu kết nối thị trường, hỗ trợ máy móc thiết bị cho các sở sở sản xuất và định hướng để các làng nghề kết hợp giữa sản xuất bằng thiết bị tiên tiến và vẫn duy trì một số công đoạn thủ công, tạo ra sản phẩm tinh xảo, đẹp mắt và có giá thành phù hợp để mở rộng thị trường và thu hút khách, góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn.

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Tin mới