Thủ tướng lưu ý Tổng công ty Xi măng Việt Nam phải quan tâm công tác quản trị, sắp xếp lao động, hướng tới hiệu quả và tiết kiệm nhân công, nguồn lực, tinh giản bộ máy.
Sáng 3/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng dẫn đầu đoàn kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao tại Tổng công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM).
Theo báo cáo của VICEM, năm 2017, bên cạnh những thuận lợi, doanh nghiệp cũng phải đối mặt những khó khăn, thách thức như: Tình trạng cung vượt cầu (khoảng 25-30%), những tác động lớn của thiên tai, mưa bão, lũ lụt ở khu vực Tây Bắc, miền Trung; tỷ giá đồng euro biến động lớn; chi phí năng lượng tăng, than tăng 200.000 đồng/tấn, giá điện tăng…
Tuy nhiên, VICEM đã sản xuất được 19,3 triệu tấn xi măng, tiêu thụ 26,6 triệu tấn. Doanh thu đạt 34.100 tỷ đồng, dù chỉ bằng 94,7% năm 2016 nhưng lợi nhuận trước thuế tăng 7,1%, đạt 2.850 tỷ đồng.
Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng đánh giá trong thời gian qua, VICEM đã đạt nhiều kết quả đáng mừng như xuất khẩu khá, sản xuất tới đâu tiêu thụ đến đấy. Tổng công ty cũng đi đầu trong ứng dụng các công nghệ mới, tận dụng điện năng, thay thế các nhiên liệu hóa thạch, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị…
Tính từ đầu năm 2017 tới nay, Tổng công ty được Chính phủ, Thủ tướng giao 18 nhiệm vụ, đã hoàn thành 16 nhiệm vụ, còn 2 nhiệm vụ đang thực hiện trong hạn.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, qua Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc truyền đạt ý kiến ghi nhận những kết quả đạt được thể hiện qua việc thực hiện các chỉ tiêu về sản xuất, kinh doanh năm 2017, đồng thời yêu cầu Tổng công ty lưu ý, giải trình, làm rõ thêm về một số vấn đề. “Thủ tướng sẽ bố trí lịch làm việc với Tổng công ty trên cơ sở những nội dung của buổi làm việc của Tổ công tác hôm nay, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ cho sản xuất, kinh doanh”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Trước hết, Thủ tướng rất quan tâm tới tỷ trọng đóng góp của ngành xi măng, trong đó trụ cột là Tổng công ty, với tăng trưởng của đất nước. Tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng năm 2017 đạt 8,7%, nhưng tăng trưởng của ngành xi măng chỉ đạt khoảng 2%, đóng góp cho tăng trưởng còn ở mức độ khiêm tốn.
Thứ hai, phải rất quan tâm củng cố bộ máy, quan tâm công tác quản trị, sắp xếp lao động, hướng tới hiệu quả và tiết kiệm nhân công, nguồn lực, tinh giản bộ máy.
“Ví dụ, hiện nay bình quân một lao động tại VICEM sản xuất mỗi ngày 7,5 tấn xi măng, một năm là 2.430 tấn. Như vậy một doanh nghiệp của VICEM sản xuất 3,6 triệu tấn xi măng mỗi năm thì cần tới gần 1.500 người, trong khi một doanh nghiệp liên doanh mỗi người sản xuất được 11 tấn, tức là tiết kiệm được 433 người”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ.
Cùng với đó, công tác quản lý cần chặt chẽ hơn để nâng cao hiệu quả đầu tư, quan tâm việc trả nợ vốn vay để quay vòng vốn hiệu quả, tiết kiệm chi phí.
Thứ tư, phải nâng cao hiệu quả, sản lượng, hướng tới xuất khẩu. Vừa qua, ngành xi măng hướng tới xuất khẩu nhiều, qua đó tăng trưởng rất mạnh. Bên cạnh đó, ngành xi măng và VICEM cũng đã có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng kết cấu hạ tầng, tham gia xóa đói, giảm nghèo… nhưng Thủ tướng đặt vấn đề về chất lượng, thương hiệu xi măng để cạnh tranh trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Thủ tướng cũng lưu ý về công tác quản trị phải có chiến lược phát triển lâu dài, tiết kiệm nguyên liệu, tài nguyên cho đất nước, sử dụng hết các sản phẩm phụ. “Núi đá vôi cũng có hạn, nếu không bảo đảm được nguyên liệu cho sản xuất lâu dài thì rất tiếc. Làm sao có giải pháp báo cáo Thủ tướng về vấn đề này, vấn đề này không chỉ đặt ra với Tổng công ty mà với cả ngành xi măng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ.
Một vấn đề khác là ứng dụng các thành tựu, công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0. “Thủ tướng có nói hình ảnh, bây giờ không thể dùng ô tô đi kiểm tra mà phải ngồi ở trụ sở công ty để xem hiệu quả, năng suất, chất lượng hoạt động các đơn vị”, Tổ trưởng Tổ công tác truyền đạt ý kiến Thủ tướng.
Thủ tướng cũng lưu ý Tổng công ty rất quan tâm tới quản lý đất đai, tài sản, ngay cả trong liên doanh, liên kết sản xuất… vì tài sản rất lớn, cần sử dụng, khai thác hiệu quả, tránh thất thoát.
Ngoài những vấn đề đã nêu, Tổng công ty cũng cần rất quan tâm tới môi trường.
Nguồn: baogiaothong.vn