Thiết lập các quy trình tự động và bán tự động cho ngành may mặc để nâng cao chất lượng

Ngành may mặc luôn đòi hỏi nhiều nhân công, và công nhân thường được đào tạo chuyên môn hóa theo từng khâu nhưng mỗi người tham gia chỉ đảm nhiệm một công việc nhỏ. Do đó, việc thiết lập các quy trình tự động và bán tự động nhằm tiết kiệm nguồn nhân lực và giảm sai lỗi đang là một trong những giải pháp hàng đầu để nâng cao chất lượng.

Đối với khâu thiết kế và tạo mẫu, thay vì thiết kế mô hình bằng tay như trước đây, các doanh nghiệp dệt may có thể sử dụng phần mềm thiết kế sản phẩm CAD. Phân mềm này có chức năng đánh dấu, phân loại mẫu, số hóa sản phẩm và tạo nhóm. Với sự trợ giúp của phần mềm CAD , bạn có thể ước tính chính xác yêu cầu về vải và cải thiện mô hình sản phẩm sao cho phù hợp với mặt hàng.

Trong điều kiện sản xuất hàng may mặc quy mô nhỏ, việc di chuyển sản phẩm thủ công là khả thi. Tuy nhiên nếu mở rộng quy mô kinh doanh và cải thiện năng suất thì việc ứng dụng các máy trải rộng tự động là cần thiết. Máy trải rộng sẽ giúp tiết kiệm nguồn nhân lực để trải phẳng các tấm vải, đồng thời hạn chế việc di chuyển và tiết kiệm thời gian trong các công đoạn sản xuất.

Đối với công đoạn cắt vải, các phương pháp cắt có thể chia làm 3 loại chính: cắt thủ công, sử dụng máy cắt bán tự động và máy cắt tự động hoàn toàn. Dĩ nhiên, việc sử dụng máy cắt tự động hoàn toàn là phương pháp tiết kiệm thời gian và nhân lực nhất cho doanh nghiệp. Loại máy cắt này cắt các lớp vải theo lệnh được thiết lập sẵn trên máy tính; vải được trải sẵn trên bàn cắt và máy sẽ thực hiện các đường cắt theo đúng những gì đã được thiết lập. Một số loại máy cắt tự động điện hình là: máy cắt vi tính, máy cắt sườn, máy cắt laze.

Kế tiếp công đoạn cắt vải chính là công đoạn may và hoàn thiện sản phẩm. Tại đây, có rất nhiều thiết bị được sử dụng cho nhiều công đoạn khác nhau trong quá trình sản xuất. Một số loại máy may thường thấy là: Máy khâu kim đơn, máy khâu xích, máy may overlock, máy khóa phẳng, máy may zigzag, máy đục lỗ nút… Trong một quy trình tự động, nguyên liệu đầu ra của công đoạn 1 sẽ trở thành nguyên liệu đầu vào cho công đoạn 2, nhờ đó quá trình sản xuất được thực hiện liên tục, dễ dàng quản lý hơn và giảm tỉ lệ sai lỗi.

Vào năm 2015, sau thời gian nghiên cứu, SoftWear Automation đã giới thiệu robot “may vá” mang tên Lowry sử dụng cảm biến để phát hiện và điều chỉnh sự thay đổi của các tấm vải. Mặc dù ban đầu cỗ máy chỉ tạo ra những sản phẩm đơn giản như khăn tắm, nhưng nay công nghệ đã được được nâng tầm để có thể hoàn thiện một bộ áo phông hoặc quần jean. Công ty tuyên bố, Lowry vận hành hiệu quả và nhanh hơn nhiều so với dây chuyền con người. Hiện nay, dây chuyền sản xuất mới của công ty chỉ cần 1 người điều khiển duy nhất và cho tốc độ tạo ra số áo sơ mi trong 1 giờ tương đương 17 công nhân.

Nhìn chung, việc khai thác tiềm năng từ thiết bị là việc các nhà quản lý doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm. Tự động hóa hay bán tự động hóa, là những giải pháp thiết thực giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được các nguồn lực, đồng thời nâng cao năng suất chất lượng sản và năng lực cạnh tranh trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Văn phòng NSCL biên dịch

Tin mới