Nhằm đáp ứng nhu cầu trong công nghiệp luyện thiếc, nhóm nghiên cứu của Viên Khoa học và Công nghệ Mỏ – Luyện kim đứng đầu là Kỹ sư Tăng Kim đã thực hiện để tài “Xử lý quặng thiếc nhiễm sắt và asen bằng phướng pháp nhiệt”. Kết quả của đề tài là thiết kế được dây truyền công nghệ có quy mô công nghệ và tiến hành chuyển giao để áp dụng thực tế ở công ty TNHH MTV Mỏ và Luyện Kim Miền Nam.
Ngành công nghiệp luyện thiếc của Việt Nam đã có lịch sử hình thành từ những năm 1958 với công nghệ đầu tiên được áp dụng là lò luyện thiếc phản xạ đốt than sử dụng nguyên liệu đầu vào là loại tinh quặng thiếc với hàm lượng tạp chất nhỏ. Sản phẩm thu được là thiếc tinh xuất khẩu loại 2 với sản lượng đạt 500 tấn/năm. Sau đó, để mở rộng quy mô sản xuất thiếc đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, quá trình luyện thiếc được chuyển sang sử dụng công nghệ luyện thiếc lò điện vào năm 1989. Với những ưu điểm như xử lý được các loại quặng có hàm lượng tạp chất sắt cao, cùng khả năng cơ động thích hợp với quy mô sản xuất nhỏ và vừa nên công nghệ lò điện nhanh chóng được ứng dụng sản xuất trên cả nước. Sản lượng thiếc cả nước đã tăng nhanh chóng hàng nghìn tấn/năm.
Tuy nhiên, hiện nay trữ lượng tinh quặng thiếc đã dần cạn kiệt, công nghệ lò điện đã không còn đáp ứng được do lượng tạp chất trong quặng ngày càng tăng. Mặc dù đã ứng dụng giải pháp công nghệ tuyển khoáng để tách các tạp chất tới giới hạn đáp ứng yêu cầu cho luyện lò điện. Nhưng gần đây, đã xuất hiện loại quặng thiếc gốc nhiễm sắt và asen không thể xử lý bằng phương pháp tuyển bởi hàm lượng tạp chất quá cao, xâm nhiễm quá mịn. Chính vì vậy để giải quyết vấn để, nhóm nghiên cứu đã thực hiện đề tài: “Xử lý quặng thiếc nhiễm sắt và asen bằng phương pháp nhiệt”.
Công nghệ được nhóm nghiên cứu áp dụng là thiêu oxy hóa hoàn nguyên kết hợp với tuyển từ. Sau quy trình 2 lần tuyền từ và 1 lần thiêu oxy hóa hoàn nguyên xen giữa với chất hoàn nguyên là than Antraxit Hòn Gai, quặng thiếc đã đạt chuẩn chất lượng (Fe <3,0% , As<0,5%) để có thể cung cấp cho lò điện luyện thiếc. Với quy trình công nghệ được xây dựng, nhóm nghiên cứu đã ứng dụng cho quá trình sản xuất tại công ty TNHH MTV Mỏ và Luyện Kim Miền Nam. Kết quả thu được từ thực tế sản xuất cho thấy lượng thiếc tinh thu được tăng lên 95% và lượng điện năng cũng như vật tư tiêu tốn cho sản xuất giảm.
Văn phòng NSCL (tổng hợp)