Thị trường công nghiệp hỗ trợ, cơ hội cho doanh nghiệp trong nước

Việt Nam đã có hàng thập niên thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, từ những chủ trương, chính sách của Chính phủ và Bộ Công thương nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa có được một ngành công nghiệp hỗ trợ đúng nghĩa. Thực vậy, thời gian qua, Bộ Công thương đã có nhiều chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ như ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, tín dụng, thuế giá trị gia tăng, ưu đãi về thuế đất, tín dụng đầu tư hay các chính sách về thị trường và hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, ở nhiều ngành trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã cung cấp được một số linh kiện, phụ tùng, sản phẩm cho sản xuất nhưng vẫn ở mức gia công. Sản xuất linh kiện điện tử đáp ứng được 30 – 35% nhu cầu, ô tô và xe máy khoảng 40% (chủ yếu là cho xe máy). Mặt hàng linh kiện nhựa, cao su đáp ứng được 20% nhu cầu của ngành điện tử. Ở lĩnh vực dệt may thì dù xuất khẩu luôn đứng top 10 thế giới nhưng doanh nghiệp nước ngoài chiếm 60% sản lượng xuất khẩu với chỉ 20% số doanh nghiệp. Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chủ yếu là gia công. Chỉ có 9% doanh nghiệp sản xuất theo thiết kế – sản xuất – cung ứng sản phẩm dịch vụ và chỉ 1% doanh nghiệp có thương hiệu riêng. Nguyên nhân của hiện trạng này, trước hết là môi trường kinh tế vĩ mô, các lĩnh vực mang lại tỉ suất lợi nhuận cao đã thu hút nguồn lực xã hội nên đầu tư vào sản xuất công nghiệp còn hạn chế. Khởi tạo doanh nghiệp chế biến, chế tạo khó hơn rất nhiều so với lĩnh vực thương mại, dịch vụ, thu hồi vốn chậm, đầu tư lớn, tỉ suất lợi nhuận thấp, lãi tín dụng cao là những rào cản phát triển ngành này. Hơn nữa, năng lực sản xuất thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng về mặt kỹ thuật và giá cả. Các doanh nghiệp đang hoạt động chưa chủ động được về nguyên liệu phục vụ sản xuất như thép, nhựa, chất dẻo, cao su vẫn chủ yếu nhập khẩu … Về mặt đường lối chính sách, phải thừa nhận là chính sách cho ngành còn bất cấp, chưa phù hợp với thực trạng của ngành. Nguồn lực đầu tư của nhà nước còn hạn chế, chưa tương xứng với vai trò của ngành. Chất lượng nhân lực thấp do mất cân đối trong phát triển nhân lực. Và điểm cuối cùng là chưa đầu tư đúng đối tượng. Doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ là nòng cốt đảm nhiệm vai trò phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Các giải pháp tháo gỡ cần có sự chỉ đạo, định hướng từ chính phủ và Bộ Công thương. Cụ thể:
  • Bộ Công thương đề xuất giải quyết vấn đề về nguồn vốn đó là chuyển sang vay ngân hàng thương mại như tại Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thuỷ sản, theo đó, nhà nước sẽ bù lãi suất chênh lệch cho doanh nghiệp hoặc lập Quỹ phát triển công nghiệp hỗ trợ.
  • Bộ Công thương đầu tư hoàn thiện hệ thống Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ, ban hành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ với nguồn kinh phí đủ, đảm bảo triển khai các hoạt động nhằm phát triển ngành như: hoạt động tư vấn, xúc tiến đầu tư nước ngoài, nghiên cứu chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ, thử nghiệm sản xuất linh kiện, phụ tùng
  • Phối hợp với Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp công bố chi tiết về giá cả, thị trường, tiêu chuẩn chất lượng những linh kiện, phụ tùng nhập khẩu hàng năm, từ đó sẽ có đánh giá cụ thể, định hướng phát triển cho ngành.
  • Hỗ trợ quản trị sản xuất, chuyển giao công nghệ, nâng cao và dần hoàn thiện năng lực sản xuất để các doanh nghiệp tham gia được vào chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp FDI
  • Có các chính sách phát triển thị trường cho Ngành như hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp về quản lý, quản trị sản xuất, đào tạo công nhân kỹ thuật cao; chính sách hỗ trợ việc sản xuất, chế tạo thử nghiệm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; chính sách kết nối doanh nghiệp sản xuất sản phẩm với các doanh nghiệp lắp ráp hoàn chỉnh trong nước và các doanh nghiệp FDI toàn cầu. Mục tiêu nhằm tạo thị trường và liên kết doanh nghiệp, xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài, hoạt động bài bản theo ISO, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm. Liên kết webside các hiệp hội, ngành hàng nước ngoài, thay đổi nhận thức về công nghiệp hỗ trợ.

Văn phòng NSCL (tổng hợp)

Tin mới