Thời gian qua, doanh nghiệp trong địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã rất chú trọng đổi mới công nghệ, đồng thời khuyến khích người lao động cải tiến kỹ thuật để áp dụng mang lại hiệu quả trong sản xuất, tăng tính cạnh tranh.
Để phát triển ngành sản xuất vật liệu xây dựng, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã tiên phong ứng dụng những công nghệ sản xuất hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Trước đây, Công ty CP Vật liệu xây dựng Bỉm Sơn sử dụng công nghệ cũ trong sản xuất, nên việc bốc xếp gạch vào lò đều do con người đảm nhiệm với giá nhân công 300.000 đồng/người/ngày. Năng suất thấp mà quá trình bốc xếp nhiều khi còn khiến gạch bị xô lệch, đổ vỡ dồng thời chi phí lại cao. Để giải quyết vấn đề này, doanh nghiệp đã đầu tư lắp đặt 4 robot thay thế công nhân làm công việc xếp, dỡ gạch. Một robot làm nhiệm vụ chuyển gạch lên từ khuôn đùn, tạo hình; 3 robot còn lại thì làm nhiệm vụ gắp gạch xuống lò. Nhờ có robot mà công việc trở nên nhanh gọn, dễ dàng và tiết kiệm nguồn nhân lực hơn rất nhiều. Nếu vẫn sử dụng nhân lực thủ công nhưu trước đây, công nhân phải kéo xe ra phơi rồi lại bốc về đưa vào lò nung đốt. Công đoạn này rất tốn thời gian và công sức.
Song song đó, doanh nghiệp cũng triển khai đưa vào áp dụng công nghệ lò nung sấy tuynel trần phẳng với những cải tiến mới nhất, giúp sản phẩm có nhiều ưu điểm vượt trội hơn trong sản xuất, như: giảm thiểu bụi, khói do nhiệt khí thải được tận dụng để nung sấy khô sản phẩm, tiết kiệm nhiên liệu khoảng 30% so với công nghệ cũ. Sản phẩm của công nghệ mới này bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe, khả năng chịu mặn tốt và đã, đang được khách hàng đánh giá cao.
Cũng trong địa bàn tỉnh, Công ty TNHH Xuân Trường, xã Yên Lâm (Yên Định) chuyên khai thác, sản xuất đá xuất khẩu. Trước đây doanh nghiệp khai thác đá bằng hình thức thủ công, gây ô nhiễm môi trường và không bảo đảm các điều kiện về an toàn lao động. Để khắc phục tình trạng này, từ năm 2018 đến nay, doanh nghiệp đã đầu tư sử dụng công nghệ khai thác đá bằng dây cắt kim cương giúp nâng cao chất lượng sản phẩm. Cưa dây kim cương là công nghệ duy nhất hiện nay không phá hủy đá gốc, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cho phép xẻ những khối đá có quy cách, kích thước và độ liền khối chuẩn đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Hiện nay, tính riêng giá trị sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh đạt hơn 22 nghìn tỷ đồng/năm. Các đơn vị cũng tập trung đầu tư đổi mới công nghệ để cho ra đời thêm các sản phẩm mới như: cát nghiền từ đá để thay thế cát tự nhiên; gạch không nung (sản phẩm thân thiện với môi trường); cát nhiễm mặn được tuyển rửa, chế biến thay thế cát nước ngọt trong công trình xây dựng. Theo Quyết định của UBND tỉnh về Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 đã quy hoạch định hướng phát triển 7 nhóm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đặt mục tiêu, ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng phải từng bước hội nhập khoa học và công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng quốc tế, nâng cao trình độ nghiên cứu trong nước, rút ngắn khoảng cách về công nghệ so với thế giới. Do đó, đổi mới công nghệ sản xuất không chỉ là chìa khóa thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp sản xuất mà còn bảo đảm thực hiện đúng quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh.
Văn phòng NSCL