Ngày 29/10, nhằm góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đã phối hợp với Ngân hàng phát triển Châu Á (Ngân hàng ADB) tổ chức “Hội thảo tham vấn cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa góp ý xây dựng Luật Hỗ trợ doanh doanh nghiệp nhỏ và vừa”.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân cho biết, thực tế cho thấy các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân sẽ phát huy hiệu quả tối đa và đóng góp tích cực cho tăng trưởng bền vững và toàn diện nếu được xây dựng thông qua đối thoại và tham vấn giữa Chính phủ và doanh nghiệp. Cần nâng cao vai trò của các Hiệp hội Ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng Luật cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo ông Nam, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy định rõ chức năng, vị trí của các cơ quan, bộ, ngành trong việc xây dựng và thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Về vị trí, vai trò, trách nhiệm của tổ chức đại diện doanh nghiệp nhỏ và vừa trong dự án Luật này. Vai trò của các tổ chức tín dụng đối với DNVVN Tại Hội thảo, Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch Công ty Luật Basico đã có những ý kiến đóng góp về hỗ trợ tài chính, tiếp cận tín dụng, hỗ trợ tiếp cận tín dụng từ các Quỹ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể, vấn đề chung về hỗ trợ tín dụng ngân hàng, Luật sư Trương Thanh Đức cho biết, trên thực tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng vì năng lực quản trị hạn chế; phương án, dự án kinh doanh, vay vốn xây dựng không bài bản; hệ thống sổ sách tài chính kế toán thiếu minh bạch; tiềm lực tài chính yếu; tài sản bảo đảm ít; dễ bị rủi ro, tổn thương;… Và cũng do đó, nếu doanh nghiệp nhỏ và vừa được vay vốn thì cũng thường phải chịu lãi suất cao và các điều kiện khác một cách khó khăn, chặt chẽ. Nhiều doanh nghiệp phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao hoặc không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng thì phải vay vốn của các cá nhân, tổ chức khác thì lại bị luật cản trở. Chẳng hạn Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành không cho phép doanh nghiệp hạch toán phần lãi vay thực tế vượt quá 13,5%/năm. Ông Đức cũng chỉ rõ, về quy định tiếp nhận tín dụng từ các ngân hàng, doanh nghiệp nhỏ và vừa không chỉ tiếp cận tín dụng từ các ngân hàng, mà còn từ các tổ chức tín dụng khác. Vì vậy, quy định của Điều luật chỉ “tiếp cận tín dụng từ các ngân hàng” của Dự thảo Luật là không đầy đủ, thiếu đi các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dung phi ngân hàng khác theo quy định tại Điều 4 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010. Cần tăng cường công tác quản lý nhà nước trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đưa ra ý kiến tại Hội thảo, ông Lê Xuân Hiền – Trưởng phòng ĐKKD (Sở KHĐT Hải Dương) cho rằng Dự thảo Luật cần tăng cường công tác quản lý nhà nước trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo ông Hiền, Luật cần quy định các địa phương thành lập Hội đồng khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phải làm sao để các cấp, các ngành coi việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài thực sự là một nhiệm vụ quan trọng chứ không phải là chuyện hô hào, nói cho có hoặc thậm chí tận thu là chủ yếu chứ không phải là hỗ trợ. Ông Lương Văn Thắng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khóa Việt – Tiệp cho rằng, Dự thảo Luật cần có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ. Theo ông, với xu thế thương mại hóa toàn cầu ngày càng phát triển thì sự phân công trong chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị gia tăng trên toàn cầu ngày càng đi vào xác định và được quyết định bởi các doanh nghiệp lớn các Tập đoàn. Chính vì vậy, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tạo cơ chế cho các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn nhất là các doanh nghiệp tầm cỡ quốc gia thường xuyên sử dụng mạng lưới xí nghiệp vệ tinh, mạng lưới các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước sẵn sàng cung cấp các sản phẩm hỗ trợ. Nhà nước cần có chính sách ổn định để khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ yên tâm, mạnh dạn đầu tư thay đổi công nghệ, mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm, phát động tinh thần sáng tạo khơi dậy trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải luôn duy trì một sự cơ động, mềm dẻo cao trong việc quản lý dây chuyền cung cấp các sản phẩm hỗ trợ để tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu.Văn phòng NSCL (tổng hợp)