Dệt may và da giày được coi là nhóm ngành sản xuất trọng điểm của tỉnh Thái Bình, vì vậy, tỉnh đã xây dựng quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp nói chung giai đoạn 2016 – 2015 và định hướng đến năm 2030. Đây là căn cứ để định hướng quy hoạch phát triển và có những giải pháp phù hợp với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho dệt may, da giày, tạo điều kiện phát triển bền vững ngành dệt may và da giày toàn tỉnh.
Một thực tế là tỉnh Thái Bình có số doanh nghiệp ngành dệt may, da giày nhiều xong chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp sản xuất hỗ trợ cho ngành. Phần lớn, nguyên phụ liệu phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, hơn nữa số doanh nghiệp sản xuất hỗ trợ chưa thể cạnh tranh và thâm nhập vào chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho ngành. Hầu hết ngành dệt may và da giầy chủ yếu làm gia công, nguyên phụ liệu sản xuất do đối tác chỉ định.
Cụ thể, Thái Bình hiện có 234 doanh nghiệp ngành dệt may và da giầy. Trong đó có 44 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với 5 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài và 39 doanh nghiệp trong nước hoạt động trong lĩnh vực dệt nhuộm và sản xuất xơ, sợi. Ngoài một số doanh nghiệp sản xuất xơ, sợi lớn như Công ty TNHH Hợp Thành, Công ty CP Bitexco Nam Long, Công ty CP Damsan, Công ty CP Sợi Trà Lý thì hầu hết đều là các doanh nghiệp quy mô trung bình và nhỏ.
Nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ cho dệt may gồm phần lớn là doanh nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt với 41/44 doanh nghiệp và chỉ có 3 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm hỗ trợ cho ngành may mặc, chuyên sản xuất một số nhãn mác phục vụ cho may mặc còn các phụ kiện khác như kim, chỉ khâu, dây kéo, bao bì… hầu như đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Cũng chung khó khăn, các doanh nghiệp ngành sản xuất da giầy trên địa bàn tỉnh đều phải nhập nguyên phụ liệu. Vì vậy, giá trị sản xuất ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may và da giầy còn thấp trong giá trị sản xuất toàn ngành. Năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giầy chỉ chiếm 13,8% và tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 5 năm gần đây là 2,42%.
Thời gian tới, Thái Bình định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may, da dày nhằm đón đầu các hiệp định thương mại. Việc cần làm trước tiên là kêu gọi các nhà đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu, định hướng cho các doanh nghiệp từ gia công sang làm hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm). Trước mắt, các doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ chuỗi khép kín quy trình sản xuất từ sợi, nguyên phụ liệu đến may mặc, mác… Để làm được điều này, cần phải đầu tư đồng bộ từ hệ thống xử lý chất thải và nước thải tại các khu công nghiệp. Đẩy mạnh thành lập, đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp ven biển, phát triển công nghiệp dệt nhuộm, đưa những dự án loại này ra gần biển và đầu tư hệ thống xử lý nước thải đồng bộ nhằm hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường. Nếu thực hiện được những kế hoạch này, giá trị gia tăng sản phẩm sẽ tăng, nâng cao thu nhập cho người lao động, chủ động nguyên liệu và được hưởng lợi từ các hàng rào thuế quan mang lại.
Văn phòng NSCL (tổng hợp)