Năm 2019, hoạt động khuyến công địa phương của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp Tây Ninh đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất và nhận được kết quả tích cực. Các doanh nghiệp tăng năng suất sản xuất, tiết kiệm nhiều chi phí và tăng doanh thu, tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Cơ sở chế biến và đóng gói bánh tráng, muối tôm Thu Ngân (tại ấp Phước Thuận, xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng) là đơn vị được thụ hưởng từ đề án” Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong đóng gói bánh tráng” với kinh phí khuyến công hỗ trợ 107,5 triệu đồng. Cơ sở đã đầu tư mới 100% máy đóng gói bánh tráng AT25 với tổng vốn đầu tư 220 triệu đồng. Với đề án này, hoạt động sản xuất của cơ sở tăng năng suất và tiết kiệm chi phí sản xuất. Máy đóng gói bánh tránh được thiết kế đơn giản, gọn nhẹ và dễ dàng cho công nhân vận hành. Cơ sở đã giúp cho 20 người dân xã biên giới có việc làm và thu nhập ổn định.
Tương tự, Công ty TNHH Sản xuất Xây dựng Thương mại Phước Thắng (tại Ninh Điền, huyện Châu Thành) được hỗ trợ 122 triệu đồng từ kinh phí khuyến công với hạn mục đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất phân bón hữu cơ” với tổng vốn đầu tư 396 triệu đồng. Đầu tư dây chuyền sản xuất phân bón hữu cơ dạng bột đã giúp công ty Phước Thắng khép kín quy trình, chủ động trong các khâu sản xuất. Thời gian sản xuất rút ngắn và cần ít nhân công hơn, hạn chế hao phí nguyên liệu, chất lượng sản phẩm ổn định và đồng đều hơn. Công suất sản xuất của công ty tăng gấp 3 lần từ 50 tấn/ngày lên đến 150 tấn/ngày. Nhờ đó, góp phần hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Doanh thu công ty tăng 30%, mang lại thu nhập ổn định cho nhân viên lao động.
Công ty TNHH MTV SX Lê Trang Phát thụ hưởng đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất kẹo đậu phộng” từ nguồn kinh phí Khuyến công địa phương 122 triệu đồng, đầu tư máy cán kẹo đậu phộng phục vụ sản xuất. Từ khi đầu tư máy cán kẹo đậu phộng các giai đoạn cân, cán kẹo, cắt kẹo đậu phộng và làm nguội được thực hiện bằng máy cán kẹo đậu phộng nên khép kín được quy trình sản xuất, rút ngắn được thời gian sản xuất, giảm chi phí sản xuất, tăng công suất sản xuất từ 1.500 kg lên 3.000 kg/ngày. Trước đây, cần 12 người cho công đoạn cán kẹo thì giờ chỉ cần 2 người mà vẫn đảm bảo sản phẩm chất lượng ổn định, đồng đều. Với quy trình sản xuất khép kín, công ty cũng đã giảm được giá bán đến người tiêu dùng, tuy nhiên doanh thu vẫn tăng 20%.
Như vậy, có thể nói việc đầu tư máy móc hiện đại là yếu tố quyết định đến năng suất và chất lượng và cho doanh nghiệp. Điều này cho thấy sự nhanh nhạy trong đón đầu nhu cầu của thị trường và sẵn sàng chuyển mình để phù hợp với hoạt động sản xuất theo hướng phát triển lâu dài của doanh nghiệp và trong đó các tổ chức khuyến công cũng đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ doanh nghiệp.
Văn phòng NSCL tổng hợp