Tập đoàn AkzoNobel: Không ngừng cải thiện chất lượng sản phẩm

Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất sơn và chất phủ và các hóa chất chuyên dụng, Tập đoàn AkzoNobel luôn tìm tòi, nghiên cứu để không ngừng cải thiện chất lượng sản phẩm của mình, không chỉ về chủng loại, mẫu mã mà còn hướng tới đảm bảo tính bền vững.

Tháng 8 vừa qua, tại Hội thảo quốc tế về thiết kế và kiến trúc mặt đứng ZAK (ZAK World of Facades), AkzoNobel đã giới thiệu sản phẩm sơn tĩnh điện mới được phát triển tại tập đoàn cùng những ưu thế vượt trội của nó. Điển hình như các dòng sản phẩm: STF, D2525 Structura Flex, Low-E…

Việc AkzoNobel liên tục cho ra đời những sản phẩm mới thuộc dòng sơn tĩnh điện được lấy cảm hứng từ những ưu điểm mà chỉ công nghệ phun sơn tĩnh điện mới có. Hầu hết các nhà khoa học trên thế giới đều công nhận một điều: Rất hiếm có một công nghệ hiện đại nào như sơn tĩnh điện, được phát minh và đưa vào sử dụng phục vụ sản xuất, thay thế cho công nghệ cũ mà lại cho chất lượng cao, hạ được giá thành sản phẩm trong khi chi phí đầu tư vẫn như công nghệ cũ.

Với thiết kế ở dạng bột khô và không chứa dung môi, quá trình sử dụng sơn tĩnh điện rất an toàn bởi gần như không có nguy cơ xảy ra cháy nổ. Khi bột sơn bám lên người có thể dễ dàng lau chùi, không cần dùng dung môi hay chất tẩy rửa để làm sạch; bột sơn bám trên sàn có thể dễ dàng thu hồi và tái sử dụng cho lần sau. Do đó, lượng sơn hao phí thấp hơn rất nhiều so với các công nghệ cũ.

Mặt khác, công nghệ sơn tĩnh điện sử dụng một loại tích điện tích dương (+) trong bột sơn, khi đi qua một thiết bị được gọi là sung sơn tĩnh điện, đồng thời vật sơn cũng sẽ được tích một điện tích âm (-) để tạo ra tính gắn kết giữa bột sơn và vật được sơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người sử dụng không cần đến sơn lót để tăng độ bám dính, đồng thời không còn tốn kém thời gian và chi phí cho loại sơn này.

Để tăng cường những ưu thế vốn có của công nghệ sơn tĩnh điện, AkzoNobel đã phát triển nhiều sản phẩm đáp ứng linh hoạt hơn với nhiều điều kiện môi trường khác nhau. Trước đây, độ bền sơn tĩnh điện càng cao đồng nghĩa với độ linh hoạt càng thấp. Nếu một miếng kim loại đã được sơn, sau đó cần được uốn cong hoặc tạo hình, người ta thường chọn sơn có độ bền tiêu chuẩn thường để đảm bảo độ linh hoạt cao, tránh nứt vỡ. Giờ đây, dòng sản phẩm Structura Flex của AkzoNobel có thể giải quyết tốt vấn đề này.

Structura Flex kết hợp tính năng chống chịu thời tiết của sơn tĩnh điện với lợi thế linh hoạt cơ học của bột sơn D2525 để ổn định cấu trúc bề mặt đồng thời tạo ra sự dẻo dai cho dòng sản phẩm này. Ngoài ra, chúng còn có khả năng giữ độ bóng và độ ổn định màu cao hơn đáng kể so với sơn bột bền tiêu chuẩn.

Một dòng sản phẩm khác của AkzoNobel: Low-E thì hướng đến việc giúp khách hàng tiết kiệm năng lượng và nâng cao hiệu quả sử dụng. Ông Mark Reekie – Quản lý công nghiệp chung phân khúc toàn cầu về sơn tĩnh điện, cho biết: “Sản phẩm sơn Interpon Low-E của chúng tôi giúp khách hàng có thể sử dụng nhiệt độ lưu hóa từ 150-170°C mà không làm giảm chất lượng hoặc tính chất vật lý của lớp phủ. Tất cả các sản phẩm dòng này có thể ninh kết trong khoảng từ 8 đến 40 phút, giúp tăng năng suất của quá trình sơn”.

“Chúng tôi rất tự hào khi lần đầu tiên mang đến cho ngành công nghiệp này những sản phẩm có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng.”Jean-Paul Moonen, Quản lý mảng sơn kiến trúc tại AkzoNobel, chia sẻ. “Các chuyên gia và kiến trúc sư của AkzoNobel không ngừng tạo ra sản phẩm có độ bền vượt trội, đồng thời tiên phong trong việc phát triển giải pháp tạo ra tiêu chuẩn mới của thị trường”.

Văn phòng NSCL biên dịch

Tin mới