Mức tăng trưởng cao của GDP năm 2018 xuất hiện trong hầu hết các kịch bản của các chuyên gia. Làm thế nào để phát huy các yếu tố sẵn có, tạo thêm động lực là ý kiến của nhiều chuyên gia tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2018: Nhận diện và hành động” do Trường Doanh nhân PTI tổ chức tại Hà Nội, ngày 22/4/2018.
Dư địa tăng trưởng còn nhiều
Nhìn nhận lại tăng trưởng quý I/2018, các chuyên gia đều cho rằng, động lực chính cho mức tăng trưởng 7,38% là môi trường kinh doanh được cải thiện, đầu tư nước ngoài tuy có sụt giảm so với quý I/2017 thế nhưng một điều đáng mừng là đầu tư gián tiếp nước ngoài lại tăng. Hai yếu tố khác là tăng trưởng xuất khẩu khá tốt đã góp phần thúc đầy công nghiệp chế biến chế tạo. Cùng với đó là sự phục hồi của nông nghiệp và nhu cầu nội địa tăng được xem là hai động lực rất quan trọng. Dự trữ ngoại tệ hiện đã lên đến 60 tỷ USD, bảo đảm 12 tuần nhập khẩu theo đúng thông lệ quốc tế
Các chuyên gia nhìn nhận là các động lực này vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục tạo một tăng trưởng dài hơi hơn, thậm chí là cho cả năm 2019 và 2020. Liên quan đến các yếu tố “thuận” cho tăng trưởng, một số chuyên gia cho rằng, kinh tế thế giới trong 2 năm 2018 và 2019 sẽ tiếp tục tăng trưởng cao hơn 2017. Quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ ngày càng cao với yêu cầu nói phải đi đôi với làm và chuyển động tới các Bộ, ngành và địa phương, các đơn vị trực tiếp thực hiện ngày càng mạnh. Về các yếu tố “nghịch”, đó là việc áp lực lạm phát do giá dầu và các nguyên liệu cơ bản trong nước tăng. Năng suất lao động vẫn chưa có nhiều cải thiện do vẫn phụ thuộc vào cường độ gia tăng vốn đầu tư. Đặc biệt, tăng trưởng vẫn có xu hướng phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với việc tỷ trọng khu vực này trong GDP tăng từ 15,4% năm 2011 lên 17,6% năm 2017.
“Chính phủ cần ưu tiên cho ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% do thanh khoản nhiều ngân hàng đã dồi dào, tỷ giá có thể điều chỉnh linh hoạt hơn”, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại nhìn nhận. Theo ông Tuyển, thời gian tới, đây khu vực tư nhân sẽ trưởng thành hơn, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và các FTA mới ký hoặc kết thúc đàm phán sẽ có hiệu lực từ năm 2019 sẽ là những động lực chính cho tăng trưởng chứ không phải là các đột phá trong cải cách do thời gian còn ngắn.
“Quân cờ” CPTPP
Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tuy Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ sớm có hiệu lực thế nhưng tác động thực sự của “quân cờ” này trên lộ trình tăng trưởng của Việt Nam từ nay đến năm 2020 vẫn cần được làm rõ thêm, nhất là trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ – D.Trump – vẫn còn chưa hết “rập rình” trong việc quay lại hay chia tay hẳn với CPTPP. Thậm chí không loại trừ cả việc ông Trump “trở cờ” với một số nước thành viên CPTPP giữ mức xuất siêu cao vào thị trường Hoa Kỳ mà Việt Nam hiện xếp thứ 6 trong số 10 nước xuất siêu cao nhất vào Hoa Kỳ.
CPTPP được đón nhận với nền kinh tế Việt Nam với việc được trông đợi sẽ đem lại sức sống mới cho hàng Việt Nam do không phải chịu thuế nhập khẩu. Thị trường khu vực cũng vì thế mà rộng mở hơn. Nhưng điểm thách thức là hàng nội địa cũng sẽ bị cạnh tranh ráo riết, không loại trừ việc mất thị trường cho hàng nước ngoài. “Đây là những lợi ích rất thiết thân của doanh nghiệp Việt nên rất cần được quan tâm”, ông Hiếu nói.
Để có thể tận dụng được cơ hội thực sự từ CPTPP, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đề xuất, các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường nghiên cứu thị trường, sản phẩm tại các nền kinh tế CPTPP. Xây dựng một bộ phận chuyên trách quản lý rủi ro: rủi ro thị trường, rủi ro chính trị, rủi ro đối tác, rủi ro thanh toán. Đặc biệt theo ông Hiếu, có một công cụ lâu nay các doanh nghiệp Việt ít quan tâm là phân tích SWOT (phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức) cần được quan tâm và làm bài bản hơn.
Nguồn: baocongthuong.com.vn