Chương trình quốc gia Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 21 tháng 5 năm 2010. Một trong những mục tiêu mà Chương trình hướng đến là tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước… Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Ngô Quý Việt – Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, BỘ Khoa học và Công nghệ – Phó Trưởng ban điều hành chương trình.
Đã qua rồi cách làm ăn đánh quả
PV: Với tư cách là cơ quan thường trực của Ban điều hành Chương trình quốc gia Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, ông nhìn nhận về Chương trình này như thế nào?
TS. Ngô Quý Việt (TS. N.Q.V): Năng suất và chất lượng là mục tiêu, là chìa khóa tạo ra hiệu quả của mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo nên sự tăng trưởng của nền kinh tế, là bệ phóng để cho doanh nghiệp phát triển. Chương trình quốc gia về Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 được tổ chức thực hiện tiếp theo Thập niên Chất lượng lần thứ nhất 1996 – 2005 – Thập niên ghi nhận những thành công về tổ chức áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng; hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất và chất lượång; đào tạo các chuyên gia tư vấn về năng suất và chất lượng… Đó là sự tập dượt rất quan trọng cho việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình ở phạm vi quốc gia.
Theo chúng tôi, Chương trình được triển khai thực hiện ở phạm vi quốc gia, có sự tham gia của nhiều bộ, ngành, địa phương sẽ tạo nên phong trào năng suất và chất lượng rộng khắp trong cả nước; là môi trường thuận lợi cho việc triển khai xây dựng và thực hiện các dự án nâng cao năng suất và chất lượng tại các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
PV: Doanh nghiệp được lợi gì khi tham gia Chương trình này, thưa ông?
TS. N.Q.V: Khi tham gia vào Chương trình, các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận đến giải pháp tiên tiến cho việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất và chất lượång; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ. Đồng thời, được cung cấp các thông tin cập nhật trong nước, thế giới về năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa có liên quan; có thể được tham gia vào các dự án áp dụng thí điểm mô hình nâng cao năng suất và chất lượng thích hợp; tham gia vào các mạng lưới chia sẻ thông tin, kiến thức về năng suất và chất lượng…
PV: Như vậy, việc áp dụng những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là nhân tố hàng đầu tác động đến năng suất, chất lượng của các doanh nghiệp, thưa ông?
TS. N.Q.V: Đúng là như vậy. Đã qua rồi cách làm ăn đánh quả, không quan tâm đến lợi ích lâu dài. Vì vậy, muốn trụ vững trên thị trường trong nước và vươn ra thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam cần sản xuất ra các sản phẩm (cả hàng hóa và dịch vụ) có chất lượng đáp ứng yêu cầu của khách hàng với giá cả chấp nhận được (tức là phải có năng suất cao).
Trong giai đoạn hội nhập kinh tế hiện nay, việc áp dụng công nghệ mới, tiêu chuẩn mới trong các khâu từ tổ chức quản lý, cung ứng vật tư thiết bị đến sản xuất, tiêu thụ hàng hóa…đem đến cho doanh nghiệp lợi ích kinh tế rõ rệt và điều đó càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.
Vẫn còn tư tưởng trông chờ vào Nhà nước
PV: Sẽ còn quá sớm để nói về hiệu quả, nhưng thực tế theo ông, đâu là những khó khăn, trở ngại mà Chương trình gặp phải?
TS. N.Q.V: Thứ nhất, về mặt nhận thức, ai cũng có thể nói được là KH – CN có vai trò quan trọng để nâng cao năng suất và chất lượng. Tuy nhiên, từ nhận thức đến hành động vẫn còn là một khoảng cách khá xa. Trên thực tế vị trí của KH – CN vẫn còn chưa được coi trọng và đầu tư thỏa đáng… trong vô vàn những mối quan tâm khác của hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh. Thêm vào đó hiện nay số lượng các chương trình, dự án khác khá nhiều, cũng là thách thức trong triển khai thực hiện.
Thứ hai, năng suất và chất lượng chịu sự tác động của nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố vĩ mô mà bên ngoài phạm vi điều chỉnh của Chương trình như: chính sách kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế, đầu tư vốn và nhân lực…. Nếu các yếu tố trên không được triển khai đồng bộ và phù hợp, sẽ không tạo nên môi trường thuận lợi cho hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Thứ ba, doanh nghiệp nước ta, phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mới thoát ra khỏi cơ chế bao cấp chưa lâu, do đó vẫn còn tư tưởng trông chờ vào Nhà nước, chưa thực sự chủ động tìm mọi cách để nâng cao năng suất và chất lượng khi có cơ hội, thậm chí còn có ý kiến cho rằng Chương trình phải có sự hấp dẫn về kinh phí hỗ trợ của Nhà nước thì mới tham gia.
Thứ tư, đội ngũ chuyên gia tư vấn về năng suất và chất lượng của nước ta nói chung, trong từng Bộ, ngành, địa phương nói riêng còn rất mỏng về cả năng lực và số lượng, yêu cầu đào tạo được đội ngũ chuyên gia làm nòng cốt cho hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng ở phạm vi quốc gia cũng là một thách thức của Chương trình.
PV: Ông có thể cho biết, trong thời gian tới, Chương trình sẽ triển khai những hoạt động gì?
TS. N.Q.V: Tiến trình triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình đã được hội nghị lần thứ nhất Ban điều hành Chương trình thông qua với kế hoạch cho giai đoạn 2011 – 2015 cụ thể với những hoạt động như: tổ chức các hội nghị phổ biến quán triệt đến các cấp lãnh đạo bộ, tỉnh, thành phố; hướng dẫn các cơ quan quản lý của ngành, địa phương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án năng suất và chất lượng của ngành, địa phương…
Trong thời gian tới, Chương trình sẽ hoàn chỉnh các dự án: Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng để Chính phủ phê duyệt; tiến hành xây dựng các dự án nâng cao năng suất và chất lượng của 6 Bộ: Công thương; NN và PTNT; Thông tin và Truyền thông; Xây dựng; Y tế; Giao thông vận tải để trình Chính phủ xem xét phê duyệt; xây dựng dự án nâng cao năng suất và chất lượng của các địa phương để UBND cấp tỉnh phê duyệt…
PV: Xin cám ơn ông!Trần Hồng thực hiện Theo: http://daibieunhandan.vn