Tanzania đã và đang được hưởng hỗ trợ từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA); và trong 10 năm qua, cơ quan này đã tham gia vào một dự án thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực cho các dịch vụ y tế và cải thiện chất lượng.
Một trong số đó là để tăng cường phát triển, quy hoạch và quản lý nguồn nhân lực y tế. Bà Catherine Shirima, một Cán bộ Chương trình của JICA (Lĩnh vực Xã hội) cho biết, hai hệ thống thông tin, cụ thể là Hệ thống Thông tin về Nguồn Nhân lực Y tế (HRHS) và Hệ thống Thông tin về Tổ chức Đào tạo (TIIS) đã được thành lập và triển khai trên toàn quốc. HRHS thu thập thông tin về HRH từ cả khu vực công và khu vực tư trong lĩnh vực dịch vụ.
Bà Shirima nói các hoạt động 5S-KAIZEN đã được khởi xướng trong nước sau khi khởi động Chương trình đồng kiến tạo Kiến thức Á-Phi (AAKCP) vào năm 2007 dưới sự bảo trợ của JICA. Các tiểu chương trình của AAKCP đã tập trung vào việc Nâng cao Chất lượng Liên tục (CQI) và Quản lý Chất lượng Toàn diện (TQM) nhằm cải tiến chất lượng dịch vụ bệnh viện tốt hơn. Tanzania là một trong những nước tham gia vào tiểu chương trình này.
Từ “KAIZEN” có thể được dịch đơn giản là ‘thay đổi để tốt hơn”. Sau khi cải thiện môi trường làm việc thông qua các hoạt động 5S, chúng ta cần phải xem xét cải thiện về các khía cạnh chất lượng, an toàn và năng suất để đáp ứng nhu cầu và mong muốn của khách hàng thông qua việc giảm thiểu các lãng phí và giải quyết vấn đề tại nơi làm việc. Cựu chủ tịch của hãng Toyota, ông Taiichi Ohno cho rằng trong mọi loại hình kinh doanh, có bảy loại lãng phí không tạo ra hoặc không có giá trị gia tăng.
Đó là: làm những việc thừa thãi vô ích – ví dụ như giữ bệnh nhân lại để theo dõi tình hình một cách không cần thiết, sử dụng thiết bị thí nghiệm tốc độ cao trong khi số lượng mẫu vật dành cho thí nghiệm thì ít. Trong kho hàng tồn, ông nhìn thấy có rất nhiều lãng phí, chẳng hạn như vật phẩm tích trữ quá mức cần thiết, các loại thuốc và đồ dùng y tế nhiều tới mức thừa thãi.
Về lĩnh vực vận tải, ông chỉ ra một số hoạt động thừa trong quá trình vận chuyển thuốc từ đại lý trung tâm, ví dụ như vừa đi chở thuốc vừa tìm một người hoặc vật nào đó và cứ phải đi lại lòng vòng.
Việc phải tái thực hiện một công việc cũng được liệt vào một dạng lãng phí, chẳng hạn như sai sót về nội khoa và ngoại khoa, hoặc điều trị kém chất lượng. Xử lý công việc một cách thừa thãi thái quá cũng là một loại lãng phí.
Ông cũng đề cập đến hoạt động chờ đợi, ví dụ như việc mọi người phải chờ đợi vật phẩm và các công cụ trong hoạt động dịch vụ.
Tanzania đã đánh giá cao các khía cạnh về tác dụng và hiệu quả của tiểu chương trình, do đó Chính phủ đã mở rộng các sáng kiến 5S-KAIZEN-TQM lên phạm vi toàn quốc.
Khái niệm 5S-KAIZEN đã giúp bệnh viện phục vụ được nhiều khách hàng trong thời gian ngắn, cứu sống được nhiều bệnh nhân. Bà Saria nói rằng dự án cũng đã giúp cho môi trường làm việc trở nên thuận lợi hơn, các cán bộ trở nên thân thiện và làm việc đoàn kết hơn chứ không còn tình trạng như trước khi thực hiện dự án, khi đó giữa các bác sĩ và y tá dường như vẫn có sự xa cách.
Bà nhấn mạnh rằng dự án này chủ yếu nhằm cải thiện môi trường làm việc tốt hơn, giải quyết các vấn đề về mặt quản lý; đảm bảo mỗi nhân viên luôn nỗ lực hoàn thành công việc của họ để làm hài lòng khách hàng.
JICA đã lập một dự án mới nhằm tăng cường quản lý tại tất cả các bệnh viện khu vực chuyên khoa trong cả nước. Hiện nay, dự án này đang phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện để cải thiện tình hình quản lý tài nguyên y tế thông qua áp dụng các phương pháp 5S-KAIZEN. Sự hỗ trợ này sẽ được tiếp tục thực hiện cho đến năm 2020 và hy vọng sẽ đem tới những thay đổi đáng kể tại các cơ sở y tế.
Văn phòng NSCL biên dịch
Nguồn: allafrica.com