Tăng năng suất: Nhu cầu rõ ràng và mạnh mẽ

Tăng trưởng GDP những năm 2000 đạt được nhờ các yếu tố bù đắp cho sự yếu kém của mức tăng năng suất. Hiện các yếu tố này đã chạm ngưỡng giới hạn tự nhiên

Đủ thời gian để tái khởi động năng suất lao động

Đánh giá của Tổ chức Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (World Bank) cho hay: Mức tăng năng suất chất lượng lao động của Việt Nam vốn dĩ thấp và đang suy giảm trong toàn bộ nền kinh tế được bù đắp bởi lực lượng lao động tăng nhanh. Trong khi tăng năng suất lao động tại các ngành được bù đắp bởi sự chuyển đổi cơ cấu trên quy mô lớn; còn năng suất nhân tố tổng hợp TFP giảm và thấp được thay thế bởi sự gia tăng tích lũy vốn. Trong giai đoạn phát triển tiếp theo, dự báo tác động đối với tăng trưởng kinh tế nói chung của mỗi một nhân tố nêu trên sẽ giảm mạnh hơn so với tác động lên xu hướng năng suất. Thêm vào đó, bối cảnh kinh tế thế giới sẽ kém thuận lợi hơn nhiều so với thời kỳ trước khủng hoảng tài chính toàn cầu.

World Bank cho rằng, lợi thế của Việt Nam hiện nay là vẫn còn đủ thời gian để tái khởi động tăng năng suất chất lượng lao động mà không ảnh hưởng tới mục tiêu tăng thu nhập vào năm 2035.

“Ở cùng một trình độ phát triển vào đầu thập kỷ 1980, Hàn Quốc đã tăng năng suất lao động đáng kể cho thấy một bước ngoặt tăng trưởng như vậy hoàn toàn có thể đạt được. Song điều này cũng đòi hỏi một chương trình cải cách thể chế tổng thể và dài hạn hơn”, Tổ chức này khuyến cáo.

Chương trình cải cách trong trường hợp của Việt Nam không chỉ đòi hỏi toàn diện do sự suy giảm tăng năng suất, mà còn phải phân kỳ một cách cẩn trọng với tầm nhìn sâu sắc về tăng trưởng dài hạn. Chương trình có thể được chia ra thành ba giai đoạn: ngắn hạn, trung hạn và dài hạn (có thể có thời đoạn trùng nhau).

Những cải cách có tác động ngay lập tức

Theo World Bank, tăng cường nền tảng vi mô của nền kinh tế thị trường Việt Nam phải là ưu tiên hàng đầu và phải đạt được những thành quả quan trọng nhất trong 5 năm tới. Điều này sẽ giúp chặn đà suy giảm tăng năng suất và thông qua việc tạo điều kiện cho sự tham gia mạnh hơn và hiệu quả hơn của khu vực tư nhân, tạo tiền đề thúc đẩy tăng trưởng mạnh trong thập kỷ tiếp theo.

Những cải cách có tác động trong trung hạn: Đây là những biện pháp cần được thực hiện ngay không chậm trễ mặc dù tác động của chúng có thể đạt được chủ yếu trong khoảng 5 đến 10 năm. Những biện pháp này hướng vào mục tiêu hỗ trợ công cuộc tái cơ cấu đang diễn ra và làm sâu sắc hơn tiến trình hội nhập toàn cầu bằng cách hiện đại hóa và thương mại hóa khu vực nông nghiệp, nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và xây dựng thể chế kinh tế vĩ mô vững chắc và tin cậy hơn.

Những cải cách và đầu tư có tác động trong dài hạn: Những cải cách và đầu tư có thể được thực hiện trong 2 hoặc 3 năm tới với những thành quả được chờ đợi trong dài hạn. Những cải cách này phải tính đến thành quả của mô hình tăng trưởng hiện nay (dựa vào những cải cách ngắn hạn và trung hạn) sẽ không kéo dài hơn một thập kỷ tới, khi nền kinh tế gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình cao và những tổn hại về môi trường tới giới hạn của nó. Trọng tâm lâu dài là khuyến khích học tập và sáng tạo, thúc đẩy tích tụ đô thị và đảm bảo phát triển bền vững về môi trường.

“Tác động của những cải cách nêu trên không loại trừ nhau. Thị trường đất đai vận hành tốt và thể chế vi mô mạnh sẽ quan trọng như nhau sau một thập kỷ cũng như sau 3 năm, mặc dù tác động ngắn hạn sẽ thấy rõ nhất do những sai lệch hiện tại sẽ được loại bỏ. Những bộ phận cấu thành của một thể chế kinh tế vĩ mô mạnh hơn cần được thực hiện trong 2 đến 3 năm tới để đảm bảo củng cố vững chắc tài khóa và chi tiêu hiệu quả hơn. Chương trình về môi trường cũng có thể mang lại thành quả ngay lập tức thông qua thực hiện hệ thống định giá hiệu quả trong đó toàn bộ chi phí môi trường được hạch toán đầy đủ trong mọi quyết định chính sách”, World Bank nêu trong Báo cáo tình hình kinh tế Việt Nam đến năm 2030.

Tin mới