Tăng năng suất lao động: ‘Chìa khóa’ để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Yếu tố trung tâm cốt lõi của năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như tạo nên sự thịnh vượng bền vững là năng suất lao động (NSLĐ). Chính vì thế, để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thì Việt Nam cần phải tăng NSLĐ quốc gia.

Đây là nhấn mạnh của ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội thảo “Tăng NSLĐ để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam”, do VCCI phối hợp với một số đơn vị tổ chức chiều ngày 21/3.

NSLĐ vẫn ở mức rất thấp

Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng NSLĐ trong nhiều năm gần đây và là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN. Cụ thể, tính chung giai đoạn 10 năm 2008 – 2017, NSLĐ theo sức mua tương đương năm 2011 (PPP 2011) của Việt Nam tăng trung bình 4%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân của Singapore (0,9%/năm), Malaysia (1,1%/năm), Thái Lan (2,6%/năm), Philippines (3,3%/năm), Indonesia (3,4%/năm).

Tuy nhiên, cũng theo ông Lộc, mặc dù Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng NSLĐ tương đối cao, song NSLĐ của Việt Nam vẫn ở mức rất thấp khi so sánh với NSLĐ bình quân của một số nước trong khu vực.

Cụ thể, tính theo PPP 2011, NSLĐ của Việt Nam năm 2017 đạt 10.232 USD, chỉ bằng 7,2% mức NSLĐ của Singapore, 18,4% của Malaysia, 36,2% của Thái Lan, 43% của Indonesia và bằng 55% của Philippines. “Đáng quan ngại hơn là chênh lệch về mức NSLĐ giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng, điều này cho thấy khoảng cách và thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt để có thể bắt kịp mức NSLĐ của các nước là rất lớn” – ông Lộc nhấn mạnh.

Cần đẩy mạnh quá trình thực thi chính sách

Đồng quan điểm với đại diện VCCI, ông Kenichi Ohno – Viện Nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản cho biết, rất nhiều nước đã xây dựng và thực hiện thành công phong trào năng suất quốc gia tiêu biểu như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… Bài học kinh nghiệm của những nước trên cho thấy, Việt Nam muốn xây dựng thành công phong trào năng suất quốc gia cần hội tụ các yếu tố từ cam kết của lãnh đạo Đảng, Chính phủ đến nâng cao nhận thức quốc gia và có các biện pháp thực thi hiệu quả.

Cụ thể, trước hết, lãnh đạo Đảng, Chính phủ phải có cam kết rõ ràng, cần ủng hộ mạnh mẽ thực hiện chính sách cũng như tham gia vào quá trình thực thi chính sách. Lãnh đạo Đảng, Chính phủ cần đảm bảo bất kỳ vấn đề bất cập nào phát sinh sẽ được giải quyết và chính sách sẽ được thực hiện hiệu quả, mang lại kết quả tốt.

Song song với đó, cần tổ chức các chiến dịch nâng cao nhận thức quốc gia về năng suất. Tất cả mọi đối tượng trong xã hội từ bộ trưởng, cán bộ, lãnh đạo doanh nghiệp đến người lao động, nông dân và học sinh, sinh viên… cần nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của NSLĐ đối với cá nhân và đất nước.

Nguồn: Báo Công Thương

Tin mới