Tăng năng suất lao động bằng cách tiếp cận khác

Đổi mới công nghệ là yếu tố rất quan trọng đóng góp vào việc tăng năng suất lao động, nhưng việc tạo được sự thỏa mãn của người lao động đối với môi trường làm việc mới là yếu tố quan trọng nhất đóng góp vào việc tăng năng suất lao động và tạo nên sự khác biệt của sản phẩm.

Đây là nhận định của ông Kazuteru Kuroda, chuyên gia về năng suất lao động thuộc Trung tâm năng suất Nhật Bản. Ông vừa có một tuần khảo sát một số doanh nghiệp tư nhân Việt Nam để đưa ra những giải pháp nâng cao năng suất lao động (NSLĐ) thông qua việc tạo ra sự thỏa mãn của người lao động với môi trường làm việc.

TBKTSG Online: Thưa ông, sau một tuần khảo sát một số doanh nghiệp Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về NSLĐ của những công ty này?

– Ông Kazuteru Kuroda: Nhìn chung, NSLĐ của các công ty này vẫn còn thấp. Ở bình diện quốc gia, NSLĐ của Việt Nam chỉ nhỉnh hơn Lào, Campuchia, kém các nước như Thái Lan, Indonesia và kém hơn 10 lần so với Nhật Bản và Singapore.

Qua khảo sát tôi thấy rằng, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào từng cá nhân trong một công ty mà không có cái nhìn trên bình diện toàn hệ thống. Tôi nghĩ rằng mỗi cá nhân trong một công ty đều có những điểm mạnh riêng trong khi những doanh nghiệp khảo sát chỉ lựa chọn một vài người xuất sắc nhất và dựa hoàn toàn vào họ mà không xây dựng một hệ thống vững mạnh.

Hơn nữa, vấn đề mang tính hệ thống ở Việt Nam là vấn đề tham nhũng. Đây  là vấn đề không thể giải quyết trong ngắn hạn nhưng cần phải loại bỏ, đặc biệt là khi Việt Nam tham gia vào các sân chơi lớn như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU. Nếu vẫn tồn tại vấn đề tham nhũng thì không thể nâng cao NSLĐ và sẽ kéo lùi nền kinh tế Việt Nam.

Tôi xin lấy một ví dụ, một doanh nghiệp sản xuất ra một loại bút và làm đủ mọi cách, kể cả “lót tay” để bán được chiếc bút đó thì họ sẽ không có tâm trí và nguồn lực để cải tiến sản phẩm. Điều này kéo theo NSLĐ của doanh nghiệp đó giảm xuống.

Các doanh nghiệp muốn tăng NSLĐ thường thông qua việc đổi mới công nghệ. Vậy tại sao ông lại tiếp cận cách tăng NSLĐ thông qua việc cải thiện sự hài lòng của người lao động với môi trường làm việc của công ty?

– Đổi mới công nghệ là yếu tố quan trọng đóng góp vào tăng NSLĐ của mỗi doanh nghiệp và quốc gia. Nhưng đổi mới công nghệ không phải là tất cả. Yếu tố con người bên trong mỗi sản phẩm mới là điều quan trọng nhất. Theo nghiên cứu của chúng tôi, nếu hai doanh nghiệp có cùng yếu tố công nghệ như nhau nhưng một công ty tạo ra một môi trường làm việc thỏa mãn người lao động thì sản phẩm của họ sẽ tạo ra sự khác biệt hơn so với doanh nghiệp còn lại, thông qua sự tỉ mỉ, hăng hái của người lao động đối với sản phẩm.

Vậy làm thế nào để cải thiện môi trường làm việc, nâng cao mức độ hài lòng của người lao động, thưa ông?

– Để tạo được sự thỏa mãn của người lao động trong môi trường làm việc cần đáp ứng được năm yếu tố.

Thứ nhất là yếu tố thành tựu cá nhân. Đây là yếu tố chính thể hiện sự hài lòng của nhân viên. Khi cá nhân đạt được thành tựu và kết quả nhất định thì họ sẽ có cảm giác hài lòng và muốn cam kết gắn bó với doanh nghiệp

Thứ hai là sự công nhận của mọi người về năng lực và trình độ của nhân viên. Đây là yếu tố rất quan trọng trong việc tạo mối quan hệ tốt với đồng nghiệp khác trong đơn vị. Và đây cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới việc liệu người lao động đó có ý định chuyển sang đơn vị khác làm hay không.

Thứ 3 là bức tranh tương lai mà công ty đưa ra tạo được niềm tin cho người lao động hay nhân viên.

Thứ 4 là yếu tố tiền lương. Rõ ràng tiền lương không phải là yếu tố quan trọng nhất nhưng công ty nào có lương cao, chế độ đãi ngộ tốt sẽ là một lợi thế để giữ chân nhân viên.

Cuối cùng là sự giám sát và theo dõi của lãnh đạo để kết nối nhân viên trong phòng ban với nhau; đưa ra chế độ đãi ngộ, đối xử với từng thành viên trong công ty.

Vậy tăng NSLĐ theo cách của chuyên gia Nhật Bản đưa ra có tốn kém thêm chi phí cho doanh nghiệp, thưa ông?

– Chúng tôi vừa đi khảo sát về NSLĐ ở một công ty trong nước chuyên sản xuất quạt hút công nghiệp. Thời gian thực hiện một sản phẩm như vậy là 20 ngày. Sau khi trao đổi với ban lãnh đạo, đoàn chuyên gia đánh giá nếu cải thiện NSLĐ theo cách của chúng tôi đưa ra thì thời gian để sản xuất có thể giảm 1 nửa. Như vậy, có thể tiền lương nhân viên công ty đó sẽ tăng gấp đôi, hoặc họ có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn, hoặc công ty sẽ tăng được lợi nhuận bán hàng do tiết kiệm chi phí. Nhưng đổi lại, công ty sẽ phải đầu tư chỗ nghỉ trưa, ăn trưa, khu vui chơi, tập thể dục….

Song có thể khẳng định rằng, việc tăng NSLĐ và hiệu quả hoạt động của công ty sẽ bù đắp được chi phí tăng lên mà công ty phải chi để cải thiện môi trường lao động.

Xin cảm ơn ông!

Dự án “Hỗ trợ đào tạo chuyên gia năng suất nhằm cải thiện môi trường làm việc và nâng cao mức độ thỏa mãn của người lao động”, do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, được thực hiện tại Hà Nội và các tỉnh lân cận từ tháng 5-2016 đến tháng 3-2018. Dự án sẽ do Trung tâm Năng suất Nhật Bản và Viện Năng suất Việt Nam thực hiện.Sau khi kết thúc dự án sẽ có những buổi hội thảo, tập huấn và phổ biến kiến thức từ những doanh nghiệp được các chuyên gia thí điểm nâng cao NSLĐ thông qua cải thiện môi trường làm việc.

Nguồn: thesaigontimes.vn

Tin mới