Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để tận dụng được ưu thế chất lượng dân số để nâng cao năng suất lao động (NSLĐ) và phát triển khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của toàn thế giới đang diễn ra.
Khoảng cách về chất lượng nguồn lực
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn thấp, có khoảng cách lớn so với nhu cầu của nền kinh tế và so với các nước trong khu vực ASEAN và các nước khác. Nguồn nhân lực thiếu hụt trầm trọng lao động có trình độ tay nghề cao và công nhân kỹ thuật lành nghề khiến cho chỉ số cạnh tranh nguồn nhân lực Việt Nam theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới vào năm 2014 chỉ đạt 3,39/10 điểm và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam xếp thứ 73/133 nước được xếp hạng.
Các tiêu chí quan trọng để đánh giá nguồn nhân lực bao gồm trình độ tay nghề cao, khả năng tiếp thu nhanh chóng, sáng tạo và làm chủ công nghệ, khả năng làm việc theo nhóm, tính chịu trách nhiệm, khả năng nắm bắt và giao tiếp với khách hàng, khả năng chuyển đổi nghề linh hoạt… với các nhân tố mới như tình trạng thể lực, tình trạng việc làm; mức độ giải phóng con người và cơ hội không ngừng vươn lên thì NSLĐ của Việt Nam vẫn bị đánh giá thấp hơn so với các nước trong khu vực.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển quốc gia, ông Hahm Seung Heui, Chủ tịch Diễn đàn Hiện tại – Tương lai (Forum Oh – Rae, Hàn Quốc), đánh giá cao việc Việt Nam đang tích cực tiến vào thị trường toàn cầu và đang thực hiện tầm nhìn tiến đến trở thành nước công nghiệp. Tuy nhiên, theo ông trong quá trình này, Việt Nam cần phải giải quyết các vấn đề như hệ thống pháp luật, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nguồn lao động có tay nghề cao… kinh nghiệm phát triển của các quốc gia có môi trường công nghiệp tương đồng trong số các nước công nghiệp mới nổi sẽ giúp ích nhiều cho việc phá bỏ các nhân tố cản trở mà Việt Nam đang gặp phải. Sự hợp tác thông qua cùng nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm cải cách sẽ góp phần tạo sự thịnh vượng chung trong khu vực.
Chính sách ưu tiên và hợp tác đào tạo
Nhận định về năng lực phát triển nhân lực Việt Nam, TS Nguyễn Thị Tuệ Anh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, so với các quốc gia trong khu vực có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam có thể thu hẹp khoảng cách, năng lực cạnh tranh dù có cải thiện nhưng vẫn còn khá thấp, nhất là ở nhóm chỉ số nâng cao hiệu quả, trong đó có giáo dục và đào tạo bậc cao, từ cấp phổ thông trung học trở lên. Nâng cao NSLĐ, thì chất lượng lao động đóng vai trò quyết định và thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực.
Từ nhận định trên, bà Tuệ Anh khuyến nghị, cần phải tiếp tục thực hiện nhanh và hiệu quả các giải pháp lớn đã được ban hành và nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới phương thức đào tạo nghề, đào tạo đại học và trên đại học theo các thông lệ, thực tiễn tốt của quốc tế. Cần tăng hợp tác với các nước, nhất là các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản về đào tạo nghề, đào tạo đại học, nâng cao trình độ cho giáo viên, chuyển giao chương trình đào tạo, sửa đổi giáo trình, tăng thời lượng kiến thức thực hành, ngoại ngữ, tăng kiến thức về kỷ luật, lao động.
Cùng với đó, theo bà Tuệ Anh, cũng nên có chính sách ưu tiên nguồn lực Nhà nước cho đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo ở những ngành Việt Nam ưu tiên phát triển, có khả năng lan tỏa về công nghệ và năng suất; Khuyến khích rộng rãi và hỗ trợ khởi nghiệp kết hợp với đào tạo và nâng cao chất lượng lao động.
Nguồn: http://giaoducthoidai.vn