Tân Huy Hoàng: Nâng cao tinh thần cải tiến của nhân viên thông qua áp dụng TPM

Trong 2 năm 2018-2019, Công ty TNHH Tân Huy Hoàng đã đăng ký tham gia 2 chương trình hỗ trợ Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp của Bộ Công Thương và đã đạt một số kết quả khả quan trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và nâng cao ý thức của người lao động.

Năm 2018, Tân Huy Hoàng bắt đầu thực hiện 5S và kết quả đem lại là sự thay đổi lớn về diện mạo cũng như ý thức trách nhiệm của cán bộ công nhân viên tại 2 xưởng cơ khí và xưởng ép xốp tự động. Nhà xưởng quy củ, gọn gàng hơn, công nhân từ việc làm đâu đặt để đấy đã tuân thủ quy định bố trí trong nhà xưởng. Từ nền tảng 5S, công ty tiếp tục áp dụng TPM tại 2 xưởng đã làm tốt 5S và mở rộng sang cả xưởng sản xuất tấm panel.

Chương trình TPM tại Tân Huy Hoàng kéo dài từ tháng 2 đến tháng 12/2019 đã xác định được 51 tổn thất, lãng phí trong sản xuất, tính toán về chi phí cho thấy công ty thất thoát khoảng 1,2 tỷ đồng/năm.

Từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2019, Công ty đã lựa chọn khởi động 5 đề tài cải tiến, trong đó có 2 đề tài cho thấy kết quả rõ ràng về mặt lợi ích là cải tiến “Giảm trọng lượng của 5 mã sản phẩm khó sản xuất” và cải tiến “Giảm thời gian xếp bông trong công đoạn sản xuất tấm panel”.

Với đề tài đầu tiên, có 5 mã sản phẩm thường có trọng lượng vượt tiêu chuẩn hoặc ở cận trên của tiêu chuẩn. Khi áp dụng sải tiến, trọng lượng của một vài mã sản phẩm đã được đưa về mức tiêu chuẩn, thậm chí mức thấp hơn tiêu chuẩn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.Ví dụ, với sản phẩm mã 697E83840, trọng lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn là 253,7g, trọng lượng sản phẩm sau cải tiến là 248g -252g. Bên cạnh đó, trước cải tiến thời gian sản xuất 1 mẻ là 201s, sau khi cải tiến thêm súng cấp liệu vào vị trí thiếu hạt, vệ sinh mắt hơi, cải tiến lại đường nước làm mát thì thời gian sản xuất 1 mẻ còn là 140s – 150s.

Với đề tài thứ 2, việc làm cữ dẫn hướng cho bông đi vào máy panel và thay đổi vị trí của sensor đã giúp giảm thời gian công nhân xếp bông lên máy từ 8 phút xuống còn 3 phút, lượng bông lỗi từ 10m/lần chạy giảm còn 2,5m/lần chạy.

Bên cạnh lợi ích về giảm lãng phí, một giá trị khác của việc triển khai chương trình TPM là đã giúp phát động phong trào cải tiến tại phân xưởng cơ khí, tránh tình trạng cải tiến tự phát và không được ghi nhận như trước đây.

Từ nền tảng nhân viên đã được đào tạo về phương pháp cải tiến và có kinh nghiệm tham gia các đề tài cải tiến thí điểm, hi vọng rằng trong thời gian tới công ty sẽ tiếp tục phát động và lan tỏa tinh thần cải tiến của nhân viên tại tất cả các xưởng, các bộ phận, và có tuyên dương khen thưởng kịp thời cho các cá nhân, bộ phận có thành tích tốt.

Nguồn: Vụ KH&CN

Tin mới