Nhịp sản xuất (Takt Time) chỉ có thể được thực hiện hiệu quả bằng cách xây dựng một kế hoạch chuyển đổi hợp lý. Đúng với tên gọi của nó, nhịp sản xuất đóng vai trò giữ nhịp và cân bằng lượng tài nguyên sử dụng qua các công đoạn, nhờ đó hình thành một hệ thống sản xuất kéo linh hoạt. Dưới đây là một số lưu ý cơ bản giúp bạn áp dụng Takt Time hiệu quả:
Tiêu chuẩn hóa
Một phần thiết yếu của công đoạn lập kế hoạch là đảm bảo mọi dây chuyền có cùng chức năng đều tuân theo một phương thức sản xuất giống nhau. Việc đưa ra một bộ tiêu chuẩn mà các công nhân vận hành có thể tham chiếu sẽ giúp đảm bảo bạn có thể dự đoán chính xác số lượng sản phẩm mà bạn có thể sản xuất mỗi ca.
Hãy dành một chút thời gian để xem xét từng công việc trong tổ chức của mình để hiểu được chúng đang được thực hiện như thế nào, từ đó xây dựng một bộ tiêu chuẩn dựa trên các ý kiến đóng góp của chính những nhân viên khu vực. Quá trình này có thể mất khá nhiều thời gian để hoàn thành, nhưng thành quả đạt được sẽ rất xứng đáng .
Đào tạo nhân viên
Khi bạn đã xác định được phương pháp phù hợp nhất để thực hiện kế hoạch, bạn sẽ cần phải thuyết phục nhân viên của mình để làm theo phương pháp đó. Việc phổ cập khái niệm Takt Time và vai trò của nó tới tất cả nhân viên là rất quan trọng. Hãy đảm bảo rằng bạn sẽ đưa ra được những điều mà họ hưởng lợi từ quy trình mới này. Những thứ như lịch trình dễ đoán hơn và công việc nhất quán hơn thường rất thu hút nhân viên.
Ngoài ra, quá trình đào tạo cũng giúp các nhà quản lý trau dồi kiến thức về việc áp dụng Takt Time. Chỉ khi bạn hiểu rõ về một vấn đề nào đó, bạn mới có thể giải thích cho người khác một cách trôi chảy. Trong thời gian này, nhân viên của bạn hoàn toàn có thể đóng góp ý kiến để xây dựng một hệ thống cải tiến liên tục và hình thành nền văn hóa cải tiến trong tổ chức.
Phân tích và đánh giá
Sau khi nhân viên trong tổ chức đã được làm quen với Takt Time, các hoạt động theo tiêu chuẩn của nhịp sản xuất sẽ được tiến hành. Có thể sẽ phải mất một khoảng thời gian ngắn để nhịp sản xuất trở thành một công cụ tiêu chuẩn, bởi những thói quen làm việc cũ thường xuất hiện trong giai đoạn này.
Để xúc tiến quá trình chuyển đổi, các nhà quản lý cần thu thập càng nhiều dữ liệu nội bộ để phân tích và đánh giá hiện trạng thực hiện nhịp sản xuất, từ đó tìm ra các nguyên nhân gây ra sự mất ổn định của mỗi “nhịp”. Tại hầu hết các trường hợp, bạn sẽ nhận thấy rằng có rất nhiều “khớp nối” trong quy trình có thể được tinh chỉnh hoặc cải thiện. Dành thời gian để thực sự phân tích dữ liệu giúp bạn nắm bắt thông tin chủ động hơn và thực hiện các điều chỉnh khi cần thiết để hướng tới sự thành công lâu dài.
Ngay cả khi mọi thứ có vẻ suôn sẻ, bạn hầu như luôn có thể tìm ra cách để cải thiện sản xuất tại cơ sở của mình và giảm thiểu lãng phí nhiều hơn nữa.
Văn phòng NSCL