Bà Nguyễn Tuệ Anh – Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trọng tâm của kế hoạch tái cơ cấu lại nền công nghiệp Việt Nam là để phát triển ngành này theo hướng bền vững hơn, cũng với đó đẩy cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Cần tăng năng suất lao động ngành công nghiệp Việt Nam
Trả lời câu hỏi của PV về những vấn đề cần quan tâm trong Đề án tái cơ cấu nền công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2017 – 2020, bà Nguyễn Tuệ Anh – Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kế hoạch cơ cấu lại nền công nghiệp là một trong nhưng nội dung quan trọng.
Bà Tuệ Anh cho rằng, trọng tâm của để tái cơ cấu công nghiệp là để tăng giá trị gia tăng ở trong nước, làm sao đưa nền công nghiệp này trở nên bền vững hơn. Cùng với đó, đẩy cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Mặc dù vậy, một vấn đề nổi cộm vẫn tồn tại được Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương đưa ra, mặc dù nền công nghiệp Việt Nam vẫn là một trong những ngành đóng góp rất lớn vào tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, nhưng mức độ tăng trưởng lại đang xu hướng chậm lại. Bên cạnh đó, giá trị gia tăng và năng suất lao động cũng còn thấp.
Dẫn chứng vấn đề này, bà Tuệ Anh cho biết, hiện nay, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đang đóng một tỷ trong khá lớn vào sự phát triển chung của ngành công nghiệp cả nước, nhưng năng suất lao động lại thấp nhất. Nguyên nhân chủ yếu do chúng ta chủ yếu thực hiện công đoạn gia công và lắp ráp.
Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Công Thương, trong những năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp cũng đang có xu hướng chậm lại, từ trung bình 14,3%/năm của giai đoạn 2006 – 2010 giảm xuống 10%/năm trong giai đoạn 2011 – 2015 và giảm hầu hết trong các nhóm ngành công nghiệp. Tốc độ tăng năng suất lao động của ngành công nghiệp giai đoạn 2006 – 2015 khoảng 2,4%/năm, chậm hơn tốc độ tăng bình quân chung của nền kinh tế là 3,9%.
Vậy làm thế nào để phát triển ngành công nghệ hỗ trợ?, bà Tuệ Anh cũng cho rằng, việc đầu tiên là các doanh nghiệp Việt Nam phải đủ điều kiện, năng lực để có thể tiếp thu được công nghệ trên thế giới. Bên cạnh đó, những vấn đề về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm cũng vô cùng quan trọng mà doanh nghiệp nào cũng cần chú ý.
Giá trị gia tăng thu về từ ngành công nghiệp chưa tương xứng
Thừa nhận những điểm yếu của ngành công nghiệp Việt Nam, trong dự thảo “Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp Việt Nam 2017 – 2020 hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững”, cũng đưa ra khá nhiều điểm nghẽn.
Theo đó, tăng trưởng công nghiệp phụ thuộc nhiều vào các yếu tố về vốn, tài nguyên, lao động trình độ thấp, chưa dựa nhiều vào tri thức, khoa học và công nghệ, lao động có kỹ năng.
Một điểm dễ nhận thấy nữa là một số ngành công nghiệp chủ đạo chưa được tổ chức theo mô hình chuỗi giá trị, đặc biệt là các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu. Việt Nam chỉ tham gia được ở các công đoạn có giá trị gia tăng thấp như gia công, lắp ráp, không chủ động được nguồn cung cho sản xuất, đặc biệt là đối với các ngành phải nhập khẩu nguyên phụ liệu như dệt may, da giày, điện tử, hóa chất…Đây là các khâu được đánh giá là tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất, trong khâu này tỷ suất lợi nhuận chỉ khoảng 5 – 10%. Chính vì vậy, công nghiệp Việt Nam đạt thành tích lớn về quy mô xuất khẩu, nhưng thực chất giá trị gia tăng thu về chưa tương xứng.
Đặc biệt, công nghiệp là ngành liên tục nhập siêu cho thấy ngành công nghiệp Việt Nam còn phụ thuộc vào nhập khẩu, thiếu chủ động và dễ tổn thương trước các biến động của thị trường thế giới, đặc biệt là nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.
Theo số liệu thống kê, năm 2015, tỷ lệ nội địa hóa của ngành Điện tử gia dụng là 30-35%; Điện tử tin học, viễn thông: 15%; Điện tử chuyên dụng: 5%; Ô tô – xe máy: 40%; Công nghiệp công nghệ cao: 5%; Dệt may: 40%; da giày :40 – 45%;
Bên cạnh những yếu điểm trên, một số ngành công nghiệp trọng điểm do các doanh nghiệp nhà nước nắm vai trò chủ đạo có hiệu quả hoạt động còn chưa cao, trong khi quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước diễn ra còn chậm và chưa thực chất dẫn đến vai trò kinh doanh trực tiếp của Nhà nước vẫn còn lớn so với thông lệ quốc tế trong nhiều ngành, lĩnh vực đã tạo ra môi trường cạnh tranh chưa bình đẳng cho các loại hình doanh nghiệp;
Đặc biệt, đầu tư trong công nghiệp chưa đi vào chiều sâu, việc thu hút và tận dụng nguồn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) còn nhiều hạn chế, đặc biệt là việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Các doanh nghiệp công nghiệp nội địa quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh nhìn chung còn thấp.
Nguồn: http://vnmedia.vn