Thị trường máy nông nghiệp của nước ta từ xưa tới nay là thị trường mức độ cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt, trong đó đối tượng cạnh tranh chủ yếu lại không phải các doanh nghiệp mà là các doanh nghiệp từ nước ngoài.
Ông Bùi Quốc Việt – Phó tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (SVEAM) cho biết: Hiện nay các loại máy nông nghiệp được sản xuất tại Việt Nam bao gồm cả chế tạo và lắp ráp chỉ chiếm khoảng 15-20% thị trường, 60% là máy nhập khẩu từ Trung Quốc, còn lại là Nhật Bản, Hàn Quốc.
Nhận thức được nguy cơ độc chiếm thị trường từ sản phẩm nhập khẩu, ban lãnh đạo SVEAM đã quyết định đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm tỉ lệ sai lỗi, hạn chế lãng phí nguyên vật liệu và sử dụng hiệu quả hơn nguồn nhân lực.
Đổi mới công nghệ là một quá trình lâu dài và liên tục
Từ năm 1995, trước đòi hỏi phải thay đổi để tồn tại, SVEAM đã nối lại quan hệ hợp tác với Tập đoàn Kubota (Nhật Bản) và một số DN lớn sản xuất máy nông nghiệp của Nhật để đưa kĩ sư sang học tập về chuyển giao công nghệ, đồng thời mua bản quyền thiết kế, công nghệ sản xuất động cơ diesel thế hệ mới nhất. Thành quả việc này là sự ra đời của 2 loại động cơ diesel RV70 và RV 125- 2 dành cho máy cày, máy xay, đáp ứng được nhu cầu về chất lượng của máy công nghiệp trong nước và góp phần chiếm lại thị trường từ các sản phẩm nhập khẩu.
Không dừng lại ở đó, trong những năm tiếp theo, S VEAM tiếp tục mở rộng sản xuất và đầu tư vào công nghệ gia công chính xác (CNC) cùng các thiết bị phụ trợ hiện đại như máy đo 3 chiều, máy đo độ bóng bề mặt, máy đo profile răng,… Những thiết bị này giúp VEAM giảm đáng kể tỉ lệ sai lỗi trong sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất và nâng cao uy tín của mình đối với khách hàng.
Mới đây, để bắt kịp những tiến bộ trong công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công ty đã tăng cường tích hợp tự động hóa vào quy trình sản xuất với tổng kinh phí lên tới 125 tỷ đồng. Điểm vượt trội của công nghệ này là dữ liệu cũng như quy trình vận hành được lưu trữ trong đám mây điện toán, người quản lý và nhà cung cấp có thể theo dõi và truy suất dữ liệu ở bất cứ đâu. Nhờ đó, việc theo dõi lịch trình hoạt động của máy và quản lý chất lượng sản phẩm trở nên dễ dàng hơn, đồng thời sớm phát hiện cái sai lỗi cũng như bảo dưỡng thiết bị kịp thời trước khi xảy ra hỏng hóc
Những thành tựu đáng ghi nhận
Anh Mai Khoan – Trưởng phòng quản lý chất lượng công ty SVEAM đã chia sẻ: Trong những năm 2015 – 2016, với tình hình chất lượng và tỉ lệ sản phẩm hỏng trong quá trình sản xuất và cũng như trong quá trình lắp ráp thì chi phí là rất cao. Với tỉ lệ sai lỗi khi đó vào khoảng 4%. Nhờ áp dụng dây chuyền công nghệ mới, đến năm 2017 tỉ lệ đã giảm xuống còn 1,4%. Trong 5 tháng đầu năm của 2018, tỉ lệ chỉ còn 0,4%, tổng mức giảm tỉ lệ sai lỗi lên tới 300%.
Bên cạnh đó, việc áp dụng dây chuyền tự động hóa cũng tiết kiệm cho công ty một lượng lớn lực lượng lao động. Nếu như trước đây, trung bình một dây chuyền sản xuất cần có 22 nhân sự đứng máy, thì hiện nay lượng nhân sự cần đứng máy đã giảm xuống 10, trong đó khu vực gia công trung tâm chỉ cần 2 nhân sự (so với trước đây là 7 nhân sự).
Với những sản phẩm đa dạng về mẫu mã và chủng loại và chất lượng không ngừng được cải thiện nhờ cải tiến sản xuất và đổi mới công nghệ, SVEAM đã, đang và sẽ tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên thị trường trong nước và quốc tế.
Văn phòng NSCL tổng hợp