Nhiều doanh nghiệp cho biết họ đang đẩy mạnh việc đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh, bởi lo ngại sẽ bị rớt lại phía sau, lạc hậu trước sự thay đổi quá nhanh trong cuộc cách mạng công nghiệp mới.
Trước áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt khi Việt Nam trở thành thành viên của nhiều hiệp định thương mại, những doanh nghiệp ở các ngành thâm dụng lao động như dệt may, nhựa, gỗ… đã bắt đầu gia tăng đầu tư cho việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, ở khá nhiều khâu, từ quản trị, thiết kế, sản xuất, đến phân phối sản phẩm.
Chấp nhận khó khăn ban đầu
Ngành nhựa nhiều năm trước luôn được xem là ngành sử dụng nhiều lao động, thiết bị và công nghệ lạc hậu, sản phẩm có giá trị không cao. Tuy nhiên, vài năm gần đây, khi đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng lớn từ sản phẩm của các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp nhựa trong nước đã buộc phải thay đổi.
Công ty cổ phần Nam Thái Sơn thời gian qua đã đầu tư mạnh cho dây chuyền tự động hóa để nâng cao năng suất đồng thời tiết kiệm chi phí lao động. Công ty này cũng nghiên cứu phát triển sản phẩm nhựa gia dụng có giá trị gia tăng với kỹ thuật cao hơn, tập trung giữ các thị trường mục tiêu trước sức mạnh chiếm lĩnh thị trường của các đối thủ nước ngoài.
“Chúng tôi chuyển hướng áp dụng công nghệ trong quản trị doanh nghiệp ở hầu hết các bộ phận. Các khâu bán hàng, kho vận, logistics, xuất nhập khẩu đều ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin giúp kết nối, tích hợp các số liệu từ văn phòng điều hành đến nhà máy thành một hệ thống, tiếp cận nhanh thông tin sản phẩm từ khách hàng ở nước ngoài”, ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty Nam Thái Sơn, cho biết. Với việc đưa công nghệ vào quản lý từ khâu sản xuất cho tới tiếp cận khách hàng, hiện tại công ty đã giảm gần 20% lao động so với trước, nhờ đó có điều kiện tăng thu nhập cho công nhân. Chi phí sản xuất giảm, đồng thời năng suất đã tăng khoảng 25-30%.
Ở ngành dệt may, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng công nghệ đám mây để lưu trữ dữ liệu, các thống kê sản xuất, báo cáo hàng tháng, quí, năm…, giúp tiết giảm đáng kể số lượng nhân viên cần cho công tác quản trị này.
Ông Hà Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sơn Việt, cho rằng không phải doanh nghiệp nào cũng mạnh dạn thay đổi, bởi việc ứng dụng công nghệ đòi hỏi nhiều chi phí cũng như gây ra sự biến động nhân sự trong quá trình thích ứng công nghệ mới. Tuy nhiên, để không bị loại khỏi cuộc đua đang cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong ngành, cả trong nước lẫn nước ngoài, Sơn Việt đã quyết định đầu tư mạnh vào công nghệ.
Kể chuyện thay đổi công nghệ ở công ty, ông Xuân Anh cho biết, từ ba năm nay, với hệ thống lập trình chia sẻ các thông số hàng tồn kho được đưa lên mạng, các đại lý, các siêu thị có sự chủ động hơn trong điều phối các đơn hàng phù hợp với khu vực và thời gian kinh doanh của họ; ngược lại, công ty cũng theo dõi được lượng hàng của các đại lý để cung ứng kịp thời.
Mới đây, Sơn Việt cũng đã đầu tư hệ thống lập trình thiết kế mẫu hàng tự động. Điều này giúp tăng năng suất thiết kế mẫu và giảm đáng kể số lượng chuyên viên thiết kế. “Áp lực lớn nhất trong xu hướng đổi mới công nghệ chính là công tác nhân sự. Đó là việc phải sàng lọc bớt lao động tay nghề thấp song song với đào tạo nhân viên trình độ cao. Việc này đòi hỏi cá nhân người lãnh đạo phải có quyết tâm cao, phải cởi mở tư duy quản trị theo hướng mới, từ bỏ tư duy quản lý kiểu cũ”, ông chia sẻ.
Ông Xuân Anh cho biết trong hai năm đầu ứng dụng công nghệ mới, công ty phải chấp nhận sự sụt giảm mạnh về doanh thu. Nhưng bước vào năm thứ ba, khi mọi khâu bắt đầu chạy “trơn tru” thì doanh thu có sự tăng trưởng trở lại và đang được kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhảy vọt trong những năm tới.
Chuyện ở Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang cũng có những điểm tương tự. Ông Lê Xuân Nghiêm, Giám đốc phòng Quản lý dự án khoa học công nghệ của công ty cho biết thời gian đầu, việc ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi sự đầu tư lớn vào thiết bị sản xuất và hoàn thiện dây chuyền tự động hóa, phải có một nguồn nhân lực đủ trình độ vận hành các giải pháp công nghệ.
Theo ông Nghiêm, để thích ứng với xu hướng ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0, giờ đây, Điện Quang không còn mở những đợt tuyển lao động ồ ạt như trước, thay vào đó là lên kế hoạch tăng cường đào tạo, điều phối những con người hiện có để theo kịp công nghệ mới, thậm chí có thể phục vụ cho một chiến lược mở rộng sản xuất.
Hiệu quả ban đầu được ông Nghiêm chia sẻ, đó là một dây chuyền sản xuất trước đây cần tới 55 lao động thì nay đã giảm xuống chỉ còn cần 6-8 lao động; năng suất lao động tăng; chất lượng sản phẩm ổn định hơn nhiều.
Không thể chậm hơn nữa!
Những năm trước, nhiều người đã từng nghe chuyện các doanh nghiệp dệt may phải đổ xô đi tìm kiếm, tuyển dụng nhân viên kinh doanh mà cũng không dễ chút nào. Từ khó khăn đó, một số công ty bắt đầu sử dụng các ứng dụng qua điện thoại thông minh để theo dõi thời gian bán hàng, doanh số bán hàng… Với việc sử dụng các ứng dụng này, các công ty đã huy động được một lượng đông đảo sinh viên làm bán thời gian, chi phí đã giảm đáng kể so với việc phải thuê nhân viên kinh doanh làm việc toàn thời gian.
Ông Lê Xuân Nghiêm cho biết mới đây Điện Quang đã rót khoảng 600 tỉ đồng để xây dựng thêm một nhà máy sản xuất bóng đèn tại khu công nghệ cao TPHCM với công nghệ tự động hóa, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động từ tháng 8-2018.
Nhìn ở góc độ rộng hơn, ông Nghiêm cho rằng khi Việt Nam đã gia nhập vào nhiều hiệp định thương mại tự do thì sân chơi của doanh nghiệp là sân chơi toàn cầu chứ không còn ở phạm vi hẹp trong nước nữa. Điều này buộc doanh nghiệp phải tiếp tục đầu tư theo xu hướng chung mới có thể cạnh tranh được. Ông nói: “Mặt bằng chung về trình độ sản xuất của doanh nghiệp trong nước hiện đã chậm hơn các nước ứng dụng cách mạng công nghệ 4.0, nên giờ đây chúng ta cần phải tăng tốc nếu không muốn tụt hậu ngày càng xa”.
Theo các chuyên gia, gần đây, cách mạng công nghệ 4.0 với những đột phá về số hóa dữ liệu, kết nối vạn vật, sử dụng trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, robot, điện toán đám mây, mạng xã hội… nhằm đưa hoạt động sản xuất kinh doanh gặt hái hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất đã được các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng mạnh mẽ trong giao thông, du lịch…
Chia sẻ với TBKTSG, ông Trần Xuân Đích, Phó cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ), cho rằng việc ứng dụng những công nghệ là thành tựu khoa học trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới đã xuất hiện ở Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ mà cả trong nông nghiệp.“Đây là xu hướng tất yếu giúp phá vỡ thách thức về năng suất, chất lượng… song song với các lợi ích về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm”, ông nói.
Nguồn: thesaigontimes.vn