Sở hữu trí tuệ: Công cụ đắc lực cho hoạt động đổi mới sáng tạo

Ngày 12/4, tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hà Nội, Hội Nữ trí thức Việt Nam tổ chức tọa đàm “Nữ trí thức và công cụ sở hữu trí tuệ trong đổi mới sáng tạo”.

Tọa đàm được tổ chức với mục đích tạo lập một diễn đàn để chia sẻ thông tin về các hoạt động sáng tạo của nhà khoa học nữ, vai trò của sở hữu trí tuệ đối với hoạt động nghiên cứu triển khai và kinh nghiệm đăng ký, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các nhà khoa học và trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Đây cũng là một trong số các hoạt động quan trọng nhất của Cục Sở hữu trí tuệ trong Tháng hành động kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4 với chủ đề được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) lựa chọn là “Tiếp sức cho những thay đổi – Phụ nữ với hoạt động đổi mới sáng tạo”.

Tại tọa đàm, ông Đinh Hữu Phí – Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, hoạt động đổi mới sáng tạo để được phát triển cần dựa trên nền tảng của tri thức và nghiên cứu tìm tòi, nhưng cũng cần có một công cụ hỗ trợ đắc lực đó là quyền sở hữu trí tuệ. Sở hữu trí tuệ ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của các quốc gia và nó đã thực sự trở thành mối quan tâm chung của toàn thế giới. Đối với các nước phát triển, có nền kinh tế tri thức cao thì hoạt động sở hữu trí tuệ luôn được các tầng lớp trong xã hội tôn vinh, đề cao và được quan tâm, coi trọng. Tuy nhiên, đây lại là lĩnh vực còn khá non trẻ ở một số nước đang hoặc chậm phát triển, trong đó có Việt Nam.

Chia sẻ về tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bà Hà Nguyệt Thu – chuyên viên chính Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo, Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, sở hữu trí tuệ là tài sản vô hình nhưng lại có thể lớn hơn rất nhiều so với giá trị các tài sản hữu hình. Ví dụ, thương vụ Công ty Unicharm của Nhật Bản mua lại nhãn hiệu Diana với mức giá 128 triệu USD (tương đương với 2.560 tỷ đồng). Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mức giá đó vẫn chưa phản ánh đúng giá trị của nhãn hiệu này mà lẽ ra con số hợp lý phải lên đến 184 triệu USD (xấp xỉ hơn 4.000 tỷ đồng). Vì vậy, việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tuy không bắt buộc nhưng rất cần thiết và phải càng sớm càng tốt, giúp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có được sự đảm bảo pháp lý và tránh sự xâm phạm quyền của người khác.

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hà Nội cho rằng, Hà Nội là nơi có tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tương đối phức tạp và xảy ra liên tục với số lượng lớn. Vì vậy, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tổ chức lớp tuyên truyền, tập huấn sở hữu trí tuệ nhằm nâng cao kiến thức về sở hữu trí tuệ cho cộng đồng, đặc biệt là các thành phần kinh tế trên địa bàn. Từng bước hỗ trợ việc xác lập quyền tài sản trí tuệ trong lĩnh vực khoa học, đăng ký sáng chế và kiểu dáng công nghiệp, nhằm thúc đẩy và khuyến kích hoạt động sáng tạo. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của địa phương, tập trung vào các sản phẩm làng nghề truyền thống lâu đời, vùng cây – con đặc sản thông qua việc xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý…

Nguồn: baocongthuong.com.vn

Tin mới