“Một cỗ xe muốn đi nhanh phải có động cơ mạnh và phanh ăn. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, doanh nghiệp (DN) phải chủ động thay đổi và đổi mới là yêu cầu tất yếu, chậm là chết”.
Đây là chia sẻ của TS Lê Đăng Doanh – thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên hợp quốc tại buổi tọa đàm khoa học: “Đưa tri thức thành động lực phát triển bền vững: Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông” do Đảng ủy Khối công nghiệp Hà Nội, Trường đại học Ngoại thương và Tạp chí Tia Sáng tổ chức hôm nay (24/6), tại Hà Nội.
Doanh nghiệp Việt yếu thế
Bước sâu vào sân chơi toàn cầu, DN Việt Nam nếu so sánh với các đối thủ trong khu vực Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và quốc tế (đơn cử trong TPP) thì yếu kém hẳn về mọi mặt. Về năng lực khoa học công nghệ, chúng ta tụt hậu khá xa so với các nước láng giềng. Chỉ tính riêng số lượng các công bố quốc tế, theo thống kê của Viện Thông tin khoa học (ISI), trong 15 năm (1996-2011) Việt Nam mới có 13.172 ấn phẩm khoa học công bố trên các tập san quốc tế có bình duyệt, bằng khoảng 1/5 của Thái Lan (69.637), 1/6 của Malaysia (75.530), và 1/10 của Singapore (126.881). Trong khi đó, dân số Việt Nam gấp 17 lần Singapore, 3 lần Malaysia và gần gấp rưỡi Thái Lan. Về năng suất lao động thì ước tính đến năm 2038 Việt Nam mới bắt kịp Philippines, và đến năm 2069 mới bắt kịp Thái Lan….
Nhiều chuyên gia cho rằng, với hàng loạt FTA thế hệ mới, các nước đang ào ạt đầu tư vào Việt Nam, thành lập các DN FDI để tận dụng các lợi thế mới, lại được chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài của Nhà nước. Trong khi đó, hơn 95% DN Việt Nam là DN vừa và nhỏ, cần có tư duy, chiến lược kinh doanh mới; cần có năng lực khoa học – công nghệ, trình độ kỹ thuật hiện đại; công nghệ quản trị tiên tiến; năng lực lãnh đạo điều hành mới, đội ngũ lao động chuyên nghiệp và kỹ năng cao… Điều đặc biệt quan trọng, dù có khắc phục được các điểm yếu này, các DN Việt Nam vẫn phải cạnh tranh với các đối thủ sừng sỏ có tiềm lực khoa học – công nghệ, nề nếp quản trị tiên tiến, kinh nghiệm thương trường, vốn liếng, chuỗi cung ứng và thị trường sẵn có đã đi trước chúng ta hàng chục năm, thế yếu, vì thế luôn nghiêng về phía chúng ta.
Buộc phải đổi mới để hội nhập
Trong tiến trình hội nhập, Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông cũng không ngoại lệ. 26 năm qua, với triết lý lấy tri thức làm sức mạnh dẫn đường, Rạng Đông có thể đã làm nên kỳ tích, nhưng đó chỉ là kỳ tích của quá khứ, trong môi trường cạnh tranh cũ. Ông Nguyễn Đoàn Thăng – Tổng giám đốc công ty – trăn trở: Rạng Đông ngày nay nếu muốn tiếp tục phát triển trong thời kỳ mới – khu vực hóa, quốc tế hóa, bên cạnh việc đổi mới tư duy kinh doanh, xây dựng lộ trình phát triển công nghệ, xây dựng mô hình quản trị chiến lược và áp dụng các công cụ quản trị tiên tiến còn cần phải tìm cách vượt qua các khó khăn, trả lời được các câu hỏi: Làm thế nào để giải được bài toán làm chủ công nghệ tiên tiến trong khi chúng ta còn yếu cả về tài chính lẫn năng lực khoa học công nghệ? Làm thế nào để tổ chức hoạt động liên minh, liên kết khoa học công nghệ trong một thế giới toàn cầu có xu thế phẳng về thương mại nhưng chưa bao giờ phẳng về khoa học và công nghệ? Làm thế nào để tổ chức hiệu quả hoạt động của các nhà khoa học bên ngoài để vừa đáp ứng được nhu cầu tự do sáng tạo đồng thời đảm bảo kỷ luật kinh doanh của DN?… Đây không chỉ là mối lo riêng của Rạng Đông mà là mối lo chung của cả cộng đồng DN vừa và nhỏ Việt Nam, những DN làm ăn tử tế, luôn mang trong mình khát vọng vươn lên hội nhập cùng bạn bè thế giới.
Dù đánh giá rất cao những thành tựu và kết quả mà Rạng Đông đạt được, nhưng theo TS Lê Đăng Doanh, Rạng Đông cũng cần nhìn thẳng vào sự thật cạnh tranh gay gắt trong tiến trình hội nhập quốc tế đang và sẽ diễn ra trong thời gian tới. Những thách thức đó sẽ đến ngay trên “sân nhà” và sẽ thể hiện không những qua giá thành, công nghệ, kiểu dáng mà còn đi sâu vào những tiêu chuẩn lao động, trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường. TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh: Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, DN phải chủ động thay đổi, đổi mới là yêu cầu tất yếu. Cần nhìn thẳng vào những mặt mạnh, mặt yếu của bản thân mình, xác định rõ các đối thủ cạnh tranh tiềm năng trên thị trường trong nước và quốc tế và đề ra một chương trình hành động với lộ trình thích hợp để tiếp tục phát huy thế mạnh, đổi mới mạnh mẽ để giữ vững vị trí tiên phong của mình.
Ông Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại thương – nhấn mạnh: Thế giới đang thay đổi từng giờ, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn. DN của chúng ta đang phải đối mặt với một thế giới lồi lõm, nóng và chật hẹp. Tri thức trở thành yếu tố quyết định sự thành công của DN, cộng đồng và quốc gia. Thực tế đang đòi hỏi chúng ta phải hành động nhanh và quyết liệt, hành động để tạo nên sức mạnh cộng hưởng. Có như vậy, chúng ta mới có thể tìm thấy chỗ đứng vững chắc của mình trong thế giới toàn cầu này.