Sáng kiến cải tiến: “Chìa khóa” tăng năng suất, tiết kiệm nguồn nhân lực cho ngành than

Dự án cải tiến “Nghiên cứu, lắp đặt, chế tạo bua mìn phục vụ khai thác hầm lò” được thực hiện từ tháng 6/2019 tại các đơn vị đào lò, khai thác của Công ty Cổ Phần Than Vàng Danh – Vinacomin và đạt hiệu quả cao.

Thực hiện mục tiêu cơ giới hóa, hiện đại hóa trong tất cả lĩnh vực sản xuất kinh doanh than, cán bộ, công nhân, người lao động tại Công ty CP Than Vàng Danh – Vinacomin đã tích cực sáng tạo và có nhiều giải pháp, dự án cải tiến năng suất. Nổi bật trong số đó là Dự án cải tiến “Nghiên cứu, lắp đặt, chế tạo bua mìn phục vụ khai thác hầm lò”. Sau khi được triển khai, Dự án đã góp phần tăng năng suất lao động, giảm tổn thất tài nguyên, tiết kiệm chi phí và nhân công và đảm bảo an toàn cho người lao động.

Dự án cải tiến “Nghiên cứu, lắp đặt, chế tạo bua mìn phục vụ khai thác hầm lò” được thực hiện từ tháng 6/2019 tại các đơn vị đào lò, khai thác của Công ty Cổ Phần Than Vàng Danh – Vinacomin và đạt hiệu quả cao.

Thông tin rõ hơn về Dự cải tiến này, đại diện Vinacomin cho biết, hiện nay, tại các đơn vị trong Tập Đoàn Công Nghiệp Than – Kháng Sản Việt Nam, bua mìn sử dụng trong nổ mìn hầm lò chủ yếu là đất sét, cát và hỗn hợp từ đất sét pha cát.

Trong đó, một số đơn vị như Công ty than Nam Mẫu – TKV, Công ty Xây Lắp Mỏ – TKV bua mìn đã được đóng thỏi bằng xúc bộ thủ công vào túi ni lông đường kính từ 36 – 38mm, còn các đơn vị khác sử dụng bua mìn làm từ đất sét và hỗn hợp bua mìn từ đất sét pha cát.

Bua mìn sử dụng chưa được đóng thỏi vì vậy trước khi nạp bua mìn vào lỗ khoan các đơn vị này phải bố trí nhân công để nhào, lặn và cắt thủ công thành các thỏi bua mìn mới sử dụng được do đó thời gian nạp bua mìn kéo dài, tốn nhân công.

Không những vậy, bua mìn làm từ đất sét và hỗn hợp bua mìn từ đất sét pha cát, cát trong quá trình sử dụng làm bua ở các diện đào lò trong than và khai thác than rất khó thu hồi vì vậy làm ảnh hưởng đến chất lượng than nguyên khai, giảm giá thành sản phẩm.

Do đó, để cải thiện môi trường làm việc, đảm bảo an toàn cho người lao động cũng như giảm bớt nhân công, tiết kiệm thời gian đóng, nạp bua mìn, sau khi tham quan, học hỏi mô hình từ các đơn vị khác, Công ty Cổ phần Than Vàng Danh – Vinacomin đã quyết tâm, nỗ lực triển khai Dự án cải tiến “Nghiên cứu, lắp đặt, chế tạo bua mìn phục vụ khai thác hầm lò”.

Đại diện cho những người thực hiện Dự án cải tiến, ông Vương Minh Thu, Phó Giám đốc Công ty cho biết, Dự án được thực hiện với mục đích cải thiện điều kiện cho người lao động, nâng cao chất lượng than ngay từ khâu khai thác, đào lò trong công trường và sử dụng tối đa vật liệu hiện có trong quá trình sàng tuyển than và xử lý nguồn rác thải tại các kho Vật liệu nổ Công Nghiệp của Công ty giữ gìn vệ sinh môi trường và điều kiện sống cho người lao động.

Dự án cải tiến tập trung đi sâu vào việc làm bua mìn bằng than bùn tự động đóng thỏi và tự động cắt thành thỏi bua để công nhân không phải nhào, lặn thủ công để khắc phục các tồn tại mà bua mìn trước đây đã sử dụng với mục đích cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, nâng cao điều kiện đảm bảo an toàn lao động và tiết kiệm nguồn nhân lực mà các giải pháp trước đây đã sử dụng.

Để thực hiện Dự án cải tiến này, nhóm đã chia công đoạn sản xuất bua mìn đóng thỏi thành các bước: (1) Vận chuyển than bùn có độ ẩm 20% về vị trí tập kết sản xuất bua mìn; (2) Đưa than bùn vào máy làm bua mìn sau đó vận hành máy để nén ép, đóng thỏi bua tự động; (3) Xếp các thỏi bua mìn vào túi nilông sau đó buộc chặt bằng dây nịt để giữ ẩm; (4) Xếp túi ni lông chứa bua mìn vào hòm gỗ chuyển đến các đơn vị sử dụng (Hòm gỗ và túi ni lông sau khi các đơn vị sử dụng hết bua mìn được thu hồi để tái phục vụ sản xuất).

Đánh giá về những ưu nhược điểm của Dự án cải tiến này, Phó Giám đốc Vương Minh Thu cho rằng, Dự án có khá nhiều tính mới, sáng tạo. Cụ thể, tính mới được thể hiện ở khâu sử dụng vật liệu hiện có của nhà máy tuyển trong quá trình khai thác tại Công ty vì vậy đầu vào làm bua ổn định, không phải mất chi phí mua ngoài.

Cùng với đó, thỏi bua mìn được đóng, ép tự động thành thỏi đã cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động từ khâu sản xuất bua đến khi sử dụng bua mìn vào nạp trong các lỗ khoan hầm lò, nâng cao chất lượng nổ mìn, và tiến độ khai thác, đào lò.

Tính sáng tạo được thể hiện ở việc sử dụng than bùn làm bua mìn mà trước đây chưa nghĩ tới hoặc cho là không tưởng. Đây chính là điểm mới, đột phá sử dụng được tính năng của vật liệu trong khai thác, đào lò để phá vỡ đất đá, than. Vật liệu làm bua mìn ở Dự án cải tiến còn mở ra bua mìn khi sử dụng trong hầm lò không nhất thiết là than bùn mà các phế phẩm, chất thải trong quá trình đào lò, khai thác có đồng nhất yếu tố kỹ thuật, có đặc tính như than bùn có thể ép thành thỏi bua mìn để đưa vào sử dụng, Phó Giám đốc Vương Minh Thu nhấn mạnh.

Trải qua quá trình thử nghiệm từ thực tế tại các công trường đào lò, khai thác than hiện nay Công ty CP than Vàng Danh – Vinacomin đã cho áp dụng bua mìn làm từ than bùn vào sử dụng trong các đơn vị sản xuất trong hầm lò của Công ty có sử dụng khoan nổ mìn theo Lệnh sản xuất số 1962/LSX-TVD-KT ngày 17/05/2019, Lệnh sản xuất số 2079/LSX-TVD-KT và phương án số 905/PA-TVD-KT.

Đặc biệt, từ những kết quả thử nghiệm thực tế tại các công trường khai thác đào lò, nhất là lò của Công ty, Dự án cải tiến này có khả năng ứng dụng cho tất cả các đơn vị đào lò, khai thác có sử dụng nổ mìn trong Tập Đoàn Công Nghiệp Than – Khoáng Sản Việt Nam nói riêng và các ngành nghề khác có sử dụng nổ mìn có đặc tính tương tự. Có thể triển khai ứng dụng với quy mô toàn Quốc.

“Dự án cải tiến “Nghiên cứu, lắp đặt, chế tạo bua mìn phục vụ khai thác hầm lò” sử dụng trong nổ mìn hầm lò thay thế cho bua mìn truyền thống đảm bảo an toàn, hiệu quả, bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động tại Công ty; mang lại hiệu quả tích cực trong công tác sản xuất bua mìn và sử dụng bua mìn vào nạp nổ mìn trong đào lò và khai thác đã khắc phục được những nhược điểm của các phương pháp làm bua mìn và sử dụng bua mìn trước đây”, Phó Giám đốc Vương Minh Thu nhận định.

Dự án cải tiến “Nghiên cứu, lắp đặt, chế tạo bua mìn phục vụ khai thác hầm lò” của Công ty Cổ phần Than Vàng Danh – Vinacomin là một trong 12 nhóm vào Vòng Chung kết Cuộc thi Nhóm cải tiến năng suất chất lượng ngành Công Thương năm 2020.

Cuộc thi do Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) và Tạp chí Công Thương tổ chức nhằm ghi nhận và tôn vinh những nỗ lực, đóng góp của các Nhóm cải tiến với mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng tại doanh nghiệp, đồng thời tuyên truyền, thúc đẩy mở rộng việc áp dụng cải tiến năng suât cho các doanh nghiệp trong toàn ngành Công Thương.

Cuộc thi Nhóm cải tiến năng suất chất lượng ngành Công Thương nằm trong khuôn khổ các hoạt động tổng kết Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 604/QĐ-TTg ngày 22 tháng 05 năm 2012 do Bộ Công Thương chủ trì thực hiện. Dự án được triển khai trong giai đoan 2012 – 2020 với 5 nhiệm vụ chính: (1) Phổ biến, tuyên truyền về nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; (2) Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; (3) Áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ; (4) Áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ; (5) Nâng cao năng lực quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa công nghiệp chủ lực.

Nguồn: Vụ Khoa học và Công nghệ

Tin mới