TS Hood Atan – chuyên gia về Lean của Malaysia Production Corporation định nghĩa Lean (sản xuất tinh gọn) là một triết lý trong kinh doanh mà không chấp nhận lãng phí dưới bất kì hình thức nào.
Hội thảo “Ứng dụng công cụ Lean Production vào thực tiễn” do Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm (CASE) tổ chức diễn ra vào ngày 11 và 12/8/2016 tại Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.HCM. Dưới sự hướng dẫn của TS Hood B. Atan, chương trình sẽ triển khai những công cụ tích hợp vào mô hình doanh nghiệp Việt Nam.
TS Hood Atan – chuyên gia về Lean của Malaysia Production Corporation định nghĩa Lean (sản xuất tinh gọn) là một triết lý trong kinh doanh mà không chấp nhận lãng phí dưới bất kì hình thức nào.
“Lãng phí ở đây là sự mô tả các thành phần của một quá trình không hề tạo ra giá trị cho dịch vụ hoặc sản phẩm mà khách hàng yêu cầu”. Theo ông Atan thì Lean là kim chỉ nam trong việc sản xuất sản phẩm của hãng xe Toyota. “Khi ta lấy giá trừ đi chi phí vận hành thì sẽ thu được lợi nhuận. Muốn gia tăng lợi nhuận thì bắt buộc phải giảm chi phí vận hành. Đây cũng là quan niệm của Toyota khi họ tập trung giảm chi phí sản xuất để tăng thêm lợi nhuận thay vì nâng giá bán lên”, ông Atan cho biết thêm.
Tuy nhiên việc áp dụng Lean Production vào doanh nghiệp không hề dễ dàng, đòi hỏi “văn hóa của doanh nghiệp không được dung túng cho sự lãng phí”, TS Atan nói. Các nguyên tắc để suy nghĩ theo hướng Lean là phải định rõ được giá trị của sản phẩm theo quan niệm của khách hàng, nhận dạng được chuỗi giá trị trong mỗi khâu, luôn tạo ra giá trị không ngừng, sản xuất theo nhu cầu của khách hàng và thị trường, luôn theo đuổi sự hoàn hảo.
Khách hàng không bao giờ chịu chi tiền cho những hoạt động không đem lại giá trị, cho nên ông Atan lưu ý mọi người phải thường xuyên cải tiến quy trình làm việc bằng cách áp dụng các công cụ quản lý tinh gọn để phát hiện và loại trừ lãng phí, “không chỉ ở giám đốc các doanh nghiệp mà tất cả nhân viên cũng phải thực hiện điều này”.
Theo ông Hood Atan thì có 7 loại lãng phí thường gặp là sản xuất ra sản phẩm lỗi, cung lớn hơn cầu, tốn nhiều thời gian để vận chuyển vật liệu, sản phẩm bị tồn kho, thời gian nghỉ giữa các khâu sản xuất quá lâu, người lao động có nhiều động tác không cần thiết và các khâu sản xuất chiếm nhiều thời gian do thiếu công cụ.
Để triệt tiêu 7 loại lãng phí đó doanh nghiệp cần các công cụ sản xuất tinh gọn sau: Kaizen (cải tiến), lập sơ đồ chuỗi giá trị, 5S (sàng lọc, sắp xếp, sáng sủa, săn sóc, sẵn sàng), kanban (thẻ/bảng đánh dấu), biện pháp chống sai lỗi và bảo dưỡng phòng ngừa, dự báo.
Chương trình này là hoạt động tiếp nối hội thảo “Áp dụng Lean Production trong quản lý doanh nghiệp” đã được tổ chức vào ngày 9 và 10/6/2016. Đây cũng là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỉ niệm 40 năm ngày thành lập Sở KH&CN TP.HCM.