Sản xuất thông minh cho ngành thực phẩm và đồ uống (Phần 1)

Khi mà ngành sản xuất thực phẩm và đồ uống đang dần đáp ứng được nhu cầu căn bản của người tiêu dùng thì việc đòi hỏi những yêu cầu cao hơn trong tương lai là lẽ tất yếu, do đó những doanh nghiệp thuộc ngành này cần ứng dụng giải pháp kĩ thuật số một cách phù hợp để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ đồng thời kiểm soát được chi phí đầu ra.

Đối với ngành thực phẩm và đồ uống, thách thức lớn nhất khi chuyển đổi sang một quy trình sản xuất thông minh nằm trong khâu thiết kế và đóng gói bao bì. Điều đầu tiên mà người tiêu dùng muốn biết khi nhìn vào bao bì là những thành phần có lợi cho sức khỏe có trong sản phẩm cũng như xuất xứ của chúng. Với tốc độ gia tăng dân số như hiện nay, ước tính đến năm 2050 sẽ có hơn 9 tỉ người trên Trái Đất, tức là tăng 30% so với thời điểm hiện tại. Sự gia tăng dân số đồng nghĩa với sự gia tăng về thị hiếu khách hàng, cùng những yêu cầu cao hơn về chất lượng do phân hóa thu nhập. Bên cạnh đó, khung pháp lý về an toàn thực phẩm hiện nay cũng đã trở thành một phần không thể thiếu trong Đạo luật An toàn thực phẩm hiện đại (FSMA), kèm theo đó là trách nhiệm môi trường của mỗi nhà sản suất trong một ngành công nghiệp tiêu thụ đến 5% mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu. Nhìn chung, những yếu tố kể trên đều có thể làm tăng chi phí sản xuất và hạn chế việc thu về lợi nhuận của doanh nghiệp. Tổng kết lại, những nan đề cần giải quyết trước nhất bao gồm việc minh bạch hóa chuỗi cung ứng sản phẩm, đáp ứng được các yêu cấp pháp lý, đảm bảo mục tiêu bền vững của tổ chức và linh hoạt hóa quá trình sản xuất. May mắn thay, với những tiến bộ của khoa học công nghệ hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm và đồ uống hoàn toàn có thể giải quyết các nan đề của mình mà không cần tốn quá nhiều chi phí đầu tư.

Giải pháp được đề cập đến trong bài viết này chính là “Số hóa”, một tiến trình chuyển đổi bộ máy cơ cấu doanh nghiệp hướng tới mục tiêu sản xuất thông minh hơn, đồng thời đây cũng là một trong những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việc ứng dụng các cơ chế tự động hóa, tích hợp dữ liệu, phân tích, mô phỏng và lựa chọn nguồn cung ứng năng lượng phù hợp sẽ giúp tổ chức tận dụng tốt hơn các nguồn lực của mình. Đây cũng là nền tảng để xây dựng một chuỗi cung ứng thực phẩm thông minh, từ khâu thu thập nguyên liệu cho đến khâu tiêu thụ, chứ không riêng gì công đoạn sản xuất.

Việc thực hiện số hóa có vẻ như là một trách nhiệm nặng nề với những doanh nghiệp ít tiếp cận với công nghệ mới, tuy nhiên đây là một phương pháp đã được nghiệm chứng về hiệu quả và hứa hẹn sẽ giúp doanh nghiệp tiến xa hơn trong lĩnh vực của mình. “Điều đầu tiên bạn cần làm là xác định mục tiêu kinh doanh của tổ chức, và hiểu được đâu là mối ưu tiên hàng đầu”, Rob McGreevy, Phó Chủ tịch về Công nghệ thông tin, Giám đốc vận hành và quản lý tài sản tại Schneider Electric cho biết.

Trong trường hợp mục tiêu bền vững và quản lý năng lượng tại doanh nghiệp là đối tượng ưu tiên thì hãy bắt đầu bằng việc kiểm tra lại cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và hiệu quả sử dụng năng lượng tại nhà máy. Nếu có thể tính được chỉ số đo lường hiệu suất thiết bị tổng thể (OEE), các nhà quản lý nên cân nhắc việc giảm thời gian dừng máy không mong muốn và nâng cao hiệu suất hoạt động của thiết bị.

Bên cạnh hiệu suất hoạt động và chất lượng sản phẩm thì giá thành cũng là vấn đề đáng được các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống quan tâm. Bởi lẽ đây là vấn đề mà “mọi khách hàng đều quan tâm”, McGreevy nói. Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về mối quan hệ giữa giá thành và sản xuất thông minh trong phần sau của bài viết.

Văn phòng NSCL biên dịch

Tin mới