Công nghệ robot đang có xu hướng được đầu tư sử dụng ở một số ngành công nghiệp khách sạn, ngân hàng và lĩnh vực giao hàng, nhà máy sản xuất. Robot được sử dụng để thay thế những công việc lặp đi lặp lại, trước đây được thực hiện bởi con người.
Trong lĩnh vực sản xuất, ở nhiều ngành nghề, đã xuất hiện robot trong dây chuyền sản xuất cùng với con người; và xuất hiện những nhà máy với gần 100% là robot (95% tự động hóa).
Công ty Công nghệ Chính xác Changying
Nhà máy sản xuất của Công ty Công nghệ Chính xác Changying sử dụng 650 công nhân để sản xuất điện thoại di động. Tuy nhiên, họ vừa đưa ra quyết định mang tính cách mạng khi sử dụng 60 robot làm việc trên 10 dây chuyền sản xuất. Công ty chỉ giữ lại 60 người làm nhiệm vụ giám sát hệ thống và điều khiển hoạt động của robot. Việc chế tạo sản phẩm được giao phó hoàn toàn cho máy móc.
Việc đưa công nghệ vào sản xuất giúp sản lượng của nhà máy tăng 250% trong khi sản phẩm lỗi giảm tới 80%. Chưa dừng lại ở đó, Luo Weiqiang, giám đốc nhà máy, cho rằng số lượng lao động làm việc trong nhà máy có thể giảm xuống 20 người đồng thời gia tăng phần việc mà máy móc có thể thay thế. Thành công của Changying có thể sớm được nhân rộng ở các nhà máy khác.
Foxconn – Công ty sản xuất thiết bị điện tử
Đầu năm 2017, Foxconn – công ty Trung Quốc sản xuất thiết bị cho Apple, Samsung và Microsoft – đã thay thế 60.000 nhân công bằng robot, cụ thể đã giảm số lượng lao động từ 110.000 người xuống còn 50.000 người bằng cách đưa robot vào làm việc. Đại diện Foxconn cho hay: “Chúng tôi đang dùng robot và các công nghệ sản xuất tiên tiến khác để thay thế những công việc lặp đi lặp lại, trước đây được thực hiện bởi công nhân. Điều này thúc đẩy nhân viên tập trung vào các yếu tố có giá trị cao hơn, chẳng hạn nghiên cứu và phát triển, quản lý quy trình và kiểm soát chất lượng”.
Cambridge Industries Group – Công ty sản xuất thiết bị viễn thông
Cambridge Industries Group (CIG) là một trong những hãng cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc. Công ty này đang thực hiện kế hoạch thay thế 2/3 nhân viên (3.000 người) bằng robot, tạo ra các nhà máy “đen”, nơi robot làm việc ngày đêm trong bóng tối, giúp tiết kiệm năng lượng.
Adidas – Hãng thời trang thể thao
Đầu năm 2017, hãng thời trang thể thao Adidas đã mở nhà máy tự động đầu tiên tại bang Bavaria (Đức) và giới thiệu dòng giày Futurecraft M.F.G. làm bằng robot. Nhà máy Speedfactory của Adidas cũng đã tiết lộ quá trình sản xuất giày bằng robot và dự kiến mở thêm nhiều nhà máy như thế này tại Mỹ và Tây Âu trong năm tới.
Thời trang Zara
Công ty mẹ của Zara, Inditex, đã tự động hóa 14 nhà máy tại Tây Ban Nha bằng hệ thống robot – làm mọi việc từ cắt cho tới nhuộm vải. Với hệ thống tự động hóa này, sau khâu thiết kế, Zara có thể đưa ra sản phẩm chỉ sau 10 ngày.
Nissan – Công ty sản xuất ô tô
Nhà máy của Nissan tại Sunderland, Anh là một trong những nhà máy xe hơi hoạt động hiệu quả nhất thế giới với 500.000 xe xuất xưởng mỗi năm và chỉ mất 8,5 giờ để lắp ráp một chiếc Qashqai. Tại nhà máy này, 95% quy trình được tự động hóa bằng robot.
Xu hướng đầu tư ro bốt đang tăng
Từ tháng 9/2014, hơn 500 nhà máy ở Quảng Đông (Trung Quốc) đã đầu tư 4,2 tỷ nhân dân tệ cho robot, với mục tiêu thay thế hàng nghìn công nhân. Các công ty đang cân nhắc sử dụng robot vào sản xuất do “Mức giá 35.000 USD cho một robot còn rẻ hơn thuê một nhân viên làm việc kém hiệu quả với giá 15 USD một giờ”.
Năm 2016, Công ty sản xuất robot cộng tác hàng đầu thế giới, Universal Robots (UR), đã chính thức công bố kế hoạch mở rộng thị trường tại Việt Nam – quốc gia thứ 6 tại Đông Nam Á có mặt Universal Robots. Cánh tay robot của Universal Robots hỗ trợ tự động hóa trong ngành công nghiệp, nhà xưởng.v.v…
Theo một khảo sát của Ngân hàng Nhật, các công ty có vốn cổ phần từ 100 triệu đến 1 tỉ yen tại nước này đang tăng cường đầu tư thêm 17,5% trong năm tài chính bắt đầu từ tháng 4 vừa qua. Đây là mức kỷ lục được ghi nhận cho đến nay. Hãng Kawasaki cho biết họ đang cung cấp robot 2 tay, cao 1,7 mét. Đây là sản phẩm bán khá chạy của công ty vì có thể đáp ứng yêu cầu của các nhà sản xuất điện tử, các công ty chế biến thực phẩm và dược phẩm.
Văn phòng NSLC tổng hợp