Khóa học thuộc khuôn khổ Đề án nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020.
Nằm trong khuôn khổ Đề án nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 của UBND tỉnh Quảng Ninh (gọi tắt là Đề án Năng suất chất lượng), từ ngày 26/10 đến 30/10/2015, Sở khoa học và Công nghệ Quảng Ninh đã tổ chức khóa đào tạo chuyên gia nâng cao năng suất chất lượng cho các Sở, ngành và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Khóa đào tạo này tiếp sau khóa đào tạo tổng quan tổng quan năng suất chất lượng được Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 12/10 – 16/10/2015. Khóa đào tạo đã thu hút hơn 40 học viên đến từ các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn.
Nội dung của khóa đào tạo lần này không tập trung vào các vấn đề tổng quan năng suất chất lượng mà đi sâu vào giới thiệu một số hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn như ISO 9000, 22000, 31000…; một loạt các công cụ hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng cho các doanh nghiệp (đặc biệt trong quá trình áp dụng các hệ thống quản lý tiêu chuẩn tiên tiến) như: 5S, Kaizen, Kiểm soát quá trình bằng các công cụ thống kê; Duy trì năng suất tổng thể TPM, LEAN, 6 Sigma; mô hình triển khai dự án cải tiến DMAIC.
Phần lớn học viên lớp học đều rất hứng thú với kiến thức thực tế được truyền tải trong khóa đào tạo này, đặc biệt là ấn tượng với các công cụ hỗ trợ nâng cao năng suất như 5S (Viết tắt 5 từ bắt đầu bằng chữ S: Sàng lọc, Sắp xếp, Sạch sẽ, Săn sóc, Sẵn sàng- là công cụ mang tính nền tảng với mục đích tạo môi trường làm việc khoa học, loại bỏ các lãng phí trong hoạt động) hoặc Kaizen (cải tiến liên tục) hay LEAN (Giảm lãng phí).
Nếu như mục tiêu đầu tiên của Đề án là đổi mới tư duy, nâng cao kiến thức về năng suất chất lượng cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý, triển khai đề án thì khóa đào tạo này đã góp phần đáng kể nhằm thực hiện mục tiêu trên.
Tuy nhiên, qua hai khóa đào tạo thấy, nếu tính số lượng thì các doanh nghiệp tham gia mới chiếm phân nửa số doanh nghiệp cần triển khai thí điểm giai đoạn đầu của Đề án (13/30 Doanh nghiệp). Điều này cũng dự báo những khó khăn nhất định cho cơ quan triển khai Đề án là Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh khi Doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến Đề án này.
Nguồn: vietq.vn