Quảng Ninh có lợi thế và tiềm năng phát triển kinh tế với các ngành kinh tế mũi nhọn như nhiệt điện, khai thác khoáng sản, du lịch, dịch vụ. Cùng với các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, nhất là những sản phẩm đã được xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực nông nghiệp, còn có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Thành Long, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng (TC-ĐL-CL)(Chi cục TC-ĐL-CL, Sở KH&CN): Hiện các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh sản xuất chủ yếu là áp dụng tiêu chuẩn cơ sở do doanh nghiệp tự xây dựng, chưa được quy chuẩn, chất lượng sản phẩm chưa cao, khả năng cạnh tranh trên thị trường còn thấp. Vì vậy, năm 2014, UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn đến năm 2020”.
Đề án nằm trong chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của các doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Đề án có kinh phí dự kiến trên 50 tỷ đồng. Ngay sau khi đề án được ban hành, Chi cục TC-ĐL-CL (cơ quan chủ trì thực hiện đề án) đã tích cực triển khai công tác tuyên truyền, giới thiệu nội dung của đề án đến các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị sản xuất. Đề án nhằm mục tiêu xây dựng phong trào năng suất và chất lượng, thông qua việc xây dựng các hệ thống quản lý chất lượng, phát triển nguồn lực cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm hàng hoá, cung cấp dịch vụ trên địa bàn tỉnh để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ của tỉnh, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Qua gần một năm triển khai đề án đã đạt được những kết quả nhất định. Sở KH&CN, trực tiếp là Chi cục TC-ĐL-CL đã tiến hành khảo sát, nắm thông tin về nhu cầu đào tạo của các doanh nghiệp. Từ đó, Chi cục đã tổ chức các lớp đào tạo về kiến thức kỹ năng nghiệp vụ ngắn hạn về tiêu chuẩn hoá, chất lượng và quản lý chất lượng, đo lường và quản lý đo lường; các lớp nghiệp vụ chuyên sâu về quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên các doanh nghiệp. Đồng thời, Chi cục tiến hành khảo sát tại 40 doanh nghiệp điểm trên địa bàn tỉnh. Qua đó đánh giá tình hình năng suất chất lượng, trình độ quản ly KHCN, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững của các doanh nghiệp này. Từ đó, chọn ra 16 doanh nghiệp điểm để áp dụng mô hình điểm nâng cao năng suất chất lượng trong doanh nghiệp.
Chi cục cũng đã xây dựng Dự án “Hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng chung cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh”, đã được UBND tỉnh phê duyệt; xây dựng, soạn thảo tài liệu giảng dạy, đào tạo tập huấn dựa trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm của các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước về đào tạo năng suất chất lượng và cập nhật thực tế cũng như yêu cầu của công tác quản lý và nhu cầu của kinh tế, xã hội trong lĩnh vực này và các quy định của Nhà nước. Thông qua đó, đào tạo các chuyên gia năng suất chất lượng, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, các công cụ cải tiến năng suất chất lượng.
Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt 2 dự án thuộc đề án với kinh phí trên 1,7 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Hiện Chi cục TC-ĐL-CL đang phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ dự án thứ 3 là “Áp dụng điểm mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” thuộc Đề án để trình UBND tỉnh trong tháng 10-2015, với kinh phí hơn 6,9 tỷ đồng từ vốn ngân sách nhà nước, trong đó kinh phí thực hiện năm 2015 là trên 2 tỷ đồng. Trong đó, dự án sẽ triển khai các nội dung: Thực hiện xây dựng, áp dụng, chứng nhận các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến và các công cụ nâng cao năng suất chất lượng cho 15 doanh nghiệp sản xuất cơ khí, ô tô, dầu nhờn, thiết bị điện…
Thời gian tới, Chi cục TC-ĐL-CL tiếp tục hoàn thiện việc đánh giá thực trạng sản xuất, sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ, năng suất lao động, chất lượng của doanh nghiệp và định hướng phát triển sản phẩm và dịch vụ giai đoạn 2015-2020. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về năng suất chất lượng cho đội ngũ cán bộ ở các sở, ban, ngành liên quan; tổ chức đào tạo chuyên gia về năng suất chất lượng cho đội ngũ cán bộ của Chi cục. Tuyên truyền sâu rộng về đề án tới doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Phạm Hoạch_ http://www.tcvn.gov.vn