Biểu đồ chuỗi giá trị (VSM) là một công cụ thường được sử dụng khi áp dụng mô hình Sản xuất tinh gọn Lean vào quá trình sản xuất. Chức năng của biểu đồ chính là mô tả sự di chuyển của dòng vật chất đi từ các nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào, qua các khâu sản xuất và đến tận tay khách hàng. Điều này cho phép chúng ta có thể nhìn thấy được những vị trí chậm trễ trong quá trình, bất kì điểm hạn chế nào hay những tồn kho bất hợp lý đang diễn ra. Từ đó, việc cải tiến quá trình sản xuất trở nên dễ dàng và xác thực hơn.
Dù vậy việc xây dựng được một biểu đồ chuỗi giá trị cho dây truyền sản xuất lại không hề đơn giản. Công viêc này cần phải có sự tham gia của tất cả các công đoạn và phải được thực hiện bởi những cá nhân đã trực tiếp tham gia vào các quá trình chứ không phải là các chuyên gia với một đống số liệu. Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận rằng nếu có được sự tư vấn của các chuyên gia đã từng giúp xây dựng biểu đồ thì công việc này có thể hoàn thành dễ dàng hơn.
Có thể nói mỗi công ty, doanh nghiệp đều có phương án và cách thức sản xuất khác nhau nên việc lập biểu đồ chuỗi giá trị cũng không thể giống nhau. Tuy vậy với kinh nghiệm của các chuyên gia đã được đúc kết trong thực tế, chúng tôi xin giới thiệu những bước cơ bản nhất để lập biểu đồ chuỗi giá trị và cải tiến quá trình sản xuất như sau:
- Lựa chọn sản phẩm/dòng sản phẩm thể hiện trên biểu đồ.
- Lựa chọn các ký hiệu sử dụng.
- Xác định bố cục của biểu đồ.
- Lựa chọn các công đoạn đưa vào biểu đồ.
- Thể hiện các dòng thông tin trên biểu đồ.
- Thu thập và lựa chọn dữ liệu đưa vào biểu đồ.
- Lập dòng thời gian trên biểu đồ.
- Phân tích biểu đồ.
- Thiết lập và thực hiện những cải tiến.
Cách thức tốt nhất để xây dựng biểu đồ là sử dụng bút chì/bút dạ viết lên bảng lớn khổ A1/A2 bởi bạn sẽ cần cập nhật và thay đổi để phù hợp với tình hình sản xuất. Dưới đây, chúng ta sẽ đi chi tiết vào từng bước cụ thể.
Lựa chọn sản phẩm/dòng sản phẩm thể hiện trên biểu đồ:
Hầu như đối với các công ty doanh nghiệp hiện nay trên thị trường thì việc đa dạng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng bằng nhiều sản phẩm/dòng sản phẩm khác nhau là yếu tố cần thiết. Tuy nhiên với các doanh nghiệp mới bắt đầu xây dựng VSM thì việc lập biểu đồ cho tất cả các dòng sản phẩm là không khả thi. Do đó, lựa chọn sản phẩm/dòng sản phẩm đầu tiên thể hiện trên biểu đồ là công việc cần phải tiến hành ngay lúc ban đầu.
Quyết định thường được các doanh nghiệp đưa ra chính là tập trung vào sản phẩm có số lượng và doanh thu cao nhất hoặc đi theo một chiến lược lâu dài với dòng sản phẩm được mong đợi mang lại lợi nhuận trong tương lai. Nếu có quá nhiều dòng sản phẩm và không thể lựa chọn thì một gợi ý cho nhóm lập biểu đồ là hãy sử dụng phương pháp phân tích Pareto để lựa chọn được những sản phẩm mang lại giá trị cao nhất.
Lựa chọn các ký hiệu sử dụng:
Thể hiện các công đoạn trên biểu đồ (nguồn: internet)
Sử dụng các ký hiệu giúp chúng ta có thể biểu diễn được nhiều thông tin hơn mà không làm tăng tính phức tạp của biểu đồ. Tuy nhiên việc lựa chọn ký hiệu phải đảm bảo tính đơn giản, dễ hiểu cho người đọc cũng như bám sát các công đoạn, các quá trình.
Xác định bố cục của biểu đồ:
Việc xác định bố cục, phân chia miền phân bố để diễn tả các công đoạn, các dòng thông tin, dòng thời gian trên biểu đồ sẽ ràng buộc đến toàn bộ quá trình. Chính vì vậy những yêu cầu được đặt ra cho công việc này là:
- Đảm bảo bố trí đầy đủ và hợp lý vị trí thể hiện các công đoạn, dòng thông tin và dòng thời gian.
- Hạn chế sự giao nhau giữa các dòng vật chất, dòng thông tin, dòng thời gian.
Lựa chọn các công đoạn đưa vào biểu đồ:
Một khi bố cục đã được vạch rõ, cần phải xác định các công đoạn cụ thể sẽ thể hiện trong biểu đồ. Các công đoạn này thường là những hoạt động tiến hành trên sản phẩm, thường thực hiện ở một nơi duy nhất và thể hiện trên biểu đồ bằng một ô với mũi tên mô tả dòng vật chất đi vào và đi ra. Khi lựa chọn, ta không nên chia nhỏ các hoạt động ra thành từng nhiệm vụ nhỏ bởi việc này sẽ mang lại sự phức tạp của biểu đồ. Hơn nữa mục đích của biểu đồ chuỗi giá trị là diễn tả dòng vật chất chứ không đi sâu vào chi tiết, do vậy khi muốn phân tích chi tiết nhằm tối ưu hóa các hoạt động thì có thể sử dụng các công cụ khác tốt hơn.
Quá trình lựa chọn này có thể tiến hành theo hướng di chuyển xuôi của dòng vật chất là đi từ nhà cung cấp nguyên liệu đến các khách hàng hay theo chiều ngược lại đều được miễn là các công đoạn được lựa chọn phải mô tả đầy đủ được quá trình đang diễn ra trong thực tế.
Việc lựa chọn cũng phải cân nhắc về mạng lưới nhà cung cấp nguyên liệu và mạng lưới khách hàng để tính toán được sự tồn kho sát với thực tế nhất.
Trên đây là những bước đầu tiên để xây dựng được một biểu đồ chuỗi giá trị. Những bước hoàn thành cũng như phân tích biểu đồ để cải thiện quá trình sản xuất sẽ được trình bày ở phần 2 của bài viết.
Văn phòng NSCL