Phong trào năng suất chất lượng lan tỏa mạnh mẽ trong nền kinh tế

Hoạt động thúc đẩy năng suất chất lượng được triển khai mạnh mẽ, làm thay đổi rõ nét bức tranh năng suất chất lượng của Việt Nam.

Bức tranh năng suất chất lượng Việt Nam tươi sáng

Sáng 15/6, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị Tổng kết Thập niên Chất lượng lần thứ hai (2006-2015) và tổng kết giai đoạn I (2010-2015) Chương trình Quốc gia năng suất chất lượng (Chương trình 712).

Tới dự hội nghị có ông Phan Xuân Dũng – Ủy viên ban chấp hành TW Đảng, Ủ viên ban thường vụ Quốc hội, chủ nhiệm ủy ban KHCN&MT Quốc hội. Ông Lê Bộ Lĩnh – Phó chủ nhiệm ủy ban KHCN&MT Quốc hội. Đại diện Văn phòng chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ NNPT&NT, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế.

Đại diện lãnh đạo các địa phương, cơ quan chức năng địa phương: Tp. Cần Thơ, Kiên Giang, Kon Tum, Ninh Thuận, Vĩnh Long, Hà Tĩnh, Quảng Nam và các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp và các chuyên gia trong nước và nước ngoài. Về phía cơ quan chủ trì có ông Trần Việt Thanh – Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Ngô Quý Việt – Tổng cục trưởng Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Các cơ quan chức năng thuộc Bộ KH&CN.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh cho rằng, kể từ thập niên chất lượng lần thứ nhất (1996-2005), Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trên chặng đường nâng cao chất lượng hàng hóa và hội nhập quốc tế. Trong 10 năm với những tiến bộ vượt bậc, các doanh nghiệp đã dần khẳng định được chất lượng hàng hóa của Việt nam, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Ông Trần Việt Thanh và ông Ngô Quý Việt chủ trì hội nghị

Ông Trần Việt Thanh và ông Ngô Quý Việt chủ trì hội nghị

Theo Thứ trưởng Trần Việt Thanh, tiếp nối thành công của Thập niên chất lượng lần thứ nhất, Thập niên chất lượng lần thứ 2 với chủ đề “Năng suất Chất lượng – Chìa khóa phát triển và hội nhập” đặt ra với mục tiêu mới là tạo lập uy tín chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam”, khẳng định hơn nữa vai trò và tầm quan trọng của năng suất và chất lượng trong phát triển kinh tế đất nước.

“Triển khai thực hiện mục tiêu của thập niên chất lượng lần thứ hai, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 phê duyệt Chương trình Quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020″, đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động thúc đẩy năng suất và chất lượng tại Việt nam, phục vụ công cuộc đổi mới doanh nghiệp và phát triển kinh tế xã hội”, Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho biết.

Theo Bộ KH&CN, trong thời gian qua các hoạt động thúc đẩy năng suất chất lượng được triển khai với nhiều hoạt động khác nhau như: xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tuyên truyền, giới thiệu về năng suất chất lượng qua các kênh thông tin đại chúng từ trung ương tới địa phương, đào tạo nâng cao kiến thức về năng suất chất lượng, phát triển đội ngũ chuyên gia tư vấn cho các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, xây dựng các mô hình điểm áp dụng các hệ thống, công cụ và giải pháp nâng cao năng suất tại các doanh nghiệp đã thay đổi rõ nét bức tranh năng suất và chất lượng của Việt Nam.

Báo cáo của Bộ KH&CN cũng cho thấy, các dự án cụ thể trong khuôn khổ chương trình quốc gia về năng suất chất lượng cùng với tinh thần chủ đạo của thập niên chất lượng đã được triển khai trên phạm vi cả nước. Hơn 50 tỉnh, thành phố và một số Bộ ngành đã phê duyệt và triển khai các chương trình năng suất chất lượng giúp cho việc chuyển biến từ nhận thức đến hành động ở cấp Bộ, ngành, địa phương, cũng như cộng đồng doanh nghiệp. “Năng suất chất lượng” đã trở thành yếu tố quan trọng và không thể thiếu được trong định hướng phát triển kinh tế xã hội cấp vĩ mô và nhu cầu phát triển doanh nghiệp.

Chỉ tiêu năng suất yếu tố tổng hợp – TFP đã được đưa vào mục tiêu về tăng trưởng kinh tế trong Chiến lược Phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, đong đó xác định: Năng suất yếu tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng đạt khoảng 35%. Phần định hướng phát triển kinh tế xã hội về khoa học và công nghệ trong Chiến lược chỉ rõ “hướng trọng tâm hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển theo chiều sâu, góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh trạnh của nền kinh tế”. Các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố đã ban hành nhiều văn bản nhằm khuyến khích doanh nghiệp áp dụng khoa học công nghệ cùng với đẩy mạnh hoạt động nâng cao năng suất chất lượng như: các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về khoa học và công nghệ, sở hữu trí tuệ, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý, công cụ năng suất, đầu tư đổi mới trang thiết bị công nghệ, ứng dụng tiến bộ công nghệ vào sản xuất.

Doanh nghiệp ngày càng nhận thức được vai trò của năng suất chất lượng, chủ động liên hệ với các cơ quan, tổ chức chuyên môn để được đào tạo, hỗ trợ áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất… Đội ngũ chuyên gia năng suất chất lượng được tăng cường cùng với các mô hình, công cụ và giải pháp nâng cao năng năng suất áp dụng tại nhiều doanh nghiệp đã mang lại những kết quả cụ thể và trở thành những điển hình tiên tiến, có thể phổ biến và tiếp tục nhân rộng. Qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, người tiêu dùng ngày càng nhận thức rõ hơn về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tự bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách lựa chọn các sản phẩm hàng hóa đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng để sử dụng;

Đại diện các bộ, ngành, địa phương tham dự hội nghị tổng kết Thập niên chất lượng lần thứ hai và chương trình 712

Đại diện các bộ, ngành, địa phương tham dự hội nghị tổng kết Thập niên chất lượng lần thứ hai và chương trình 712

Theo ông Trần Văn Vinh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, trong 5 năm qua chương trình đã xây dựng và công bố 4.485 tiêu chuẩn quốc gia, đưa tổng số tiêu chuẩn quốc gia hiện hành lên 8.800 TCVN, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực là 45%. Cũng theo Thứ trưởng Trần Việt Thanh, bằng những nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương trong hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng, ứng dụng công nghệ, giải pháp mới, đã góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất yếu tố tổng hợp vào tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước từ mức đóng góp không đáng kể trong giai đoạn trước đẩy lên trên 25% trong giai đoạn 2011 – 2014 và đạt mục tiêu đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế trên 30% vào năm 2015.

Kết thúc giai đoạn I, đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu của Chương trình. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn có những hạn chế cần khắc phục như tiến độ xây dựng, phê duyệt các dự án năng suất chất lượng của một số ngành, địa phương còn chậm và một số dự án còn lúng túng trong việc triển khai các hoạt động cụ thể, thiếu sự chủ động của doanh nghiệp.

Nguyễn Nam – Viết Cường – Hà Thủy VietQ.vn

Tin mới