Tư duy về quản trị nguồn nhân lực đã được thay đổi dưới tác động của kinh tế thị trường cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Cùng với sự thay đổi tư duy, phương thức quản lý nguồn nhân lực cũng thay đổi theo nhằm khai thác năng lượng chủ động sáng tạo của người lao động. Người lao động ngày nay đã được coi là tài sản quý giá của doanh nghiệp. Đây là tài sản đặt biệt vì trong khi các tài sản khác sẽ giảm giá trị theo thời gian thì nguồn nhân lực lại tăng giá trị.
Các đóng góp mang tính chiến lược của quản lý nguồn nhân lực được thể hiện như sau:
+ Quản lý nguồn nhân lực là một phần không thể thiếu trong chiến lược và kế hoạch kinh doanh của công ty. Cần có các kế hoạch phối hợp giữa đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm, cải tiến quá trình với hoạt động đào tạo, huy động sự tham gia của công nhân, tái cấu trúc tổ chức và hệ thống ghi nhận thành tích, hệ thống trao thưởng…
+ Quản lý nguồn nhân lực trở thành một hoạt động có tính cộng tác với các hoạt động ở các bộ phận khác trong việc giải quyết các vấn đề.
+ Quản lý nguồn nhân lực tạo ra quan hệ tích cực giữa người lao động và người quản lý cấp cao giúp lãnh đạo cấp cao nhận biết, đánh giá vấn đề và thúc đẩy các giải pháp tăng giá trị dựa trên sự đóng góp của người lao động.
+ Quản lý nguồn nhân lực tạo môi trường làm việc có ý nghĩa và thoải mái cho người lao động, giúp họ đạt được các mục tiêu của tổ chức cũng như mục tiêu cá nhân.
+ Hoạt động quản lý nguồn nhân lực cần bao gồm các giải pháp phát triển năng lực và tạo ra các cam kết, cung cấp các cơ hội cho người lao động đóng góp nhiều hơn.
Vai trò, mục tiêu và các hoạt động quản lý nhân sự cần chuyển sang hướng phát huy hiệu quả nhất tiềm năng của con người, hướng tới mục tiêu hài lòng và hạnh phúc tại nơi làm việc, vì hài lòng với công việc của người lao động là chìa khóa cho sự thỏa mãn của khách hàng và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Để khuyến khích được các hoạt động cải tiến năng suất, doanh nghiệp phải tăng cường và xây dựng một văn hóa làm việc có tính tập thể cao. Vấn đề này phải được thấm nhuần trong toàn doanh nghiệp, bất kỳ ai cũng phải tham gia và thể hiện điều này một cách rõ rệt trong công việc của mình.
Cần phải có một sự thay đổi về cách nhận thức của con người, tạo ra một bước đột phá trong phương pháp làm việc trước khi sự tăng trưởng về năng suất có thể đạt được.
Để phát triển tổ chức năng suất cao, tất các các hoạt động phải tập trung vào tăng thêm và tạo ra giá trị. Các cải tiến này là kết quả của văn hóa doanh nghiệp được xây dựng dựa trên năng suất.
Các đặc điểm của văn hóa dựa trên năng suất là: Khuyến khích người lao động sử dụng tài năng sáng tạo của họ; Hỗ trợ và trao thưởng cho thành tích về năng suất; Đặt năng suất làm trung tâm của các quyết định quản lý; Xúc tiến việc học hỏi và áp dụng các kiến thức mới; Thay đổi các giá trị và kiểm soát rủi ro; Thúc đẩy tinh thần “có thể làm được” trong tổ chức.
Xây dựng văn hóa năng suất không thể một sớm một chiều, mà đây là một chặng đường dài không có điểm kết thúc.
Điều quan trọng là xây dựng một môi trường phù hợp và đảm bảo sự khích lệ cho các hoạt động cải tiến. Kinh nghiệm cho thấy, tỷ lệ thành công trong việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng không được cao, phần lớn do các kết quả tích cực ban đầu không được duy trì vì không tạo ra được các điều kiện phù hợp để khuyến khích hoạt động cải tiến liên tục.
Nguyên nhân một phần là do kiểu quản lý cũ dựa trên kiểm soát và mệnh lệnh. Người lao động là vốn trí tuệ của doanh nghiệp và cũng là nguồn lực quan trọng nhất, vì vậy, cần phải thay đổi tư duy về cách đối xử và quản lý người lao động. Doanh nghiệp cần tạo ra một môi trường truyền cảm hứng và khích lệ người lao động, tạo ra cho họ mong muốn được ghi nhận, được đánh giá cao. Nơi làm việc không chỉ là nơi để họ kiếm sống, mà là nơi họ tìm kiếm công việc có ý nghĩa hơn, giúp họ đạt được tham vọng và mục tiêu của cuộc sống.
Việc cải tiến năng suất của một hệ thống chủ yếu phụ thuộc vào việc huy động con người một cách liên tục trong doanh nghiệp nhằm đạt được các mục tiêu. Và do đó, con người phải được đặt trung tâm trong nhiệm vụ này, nhằm phát huy hết tiềm năng sức mạnh và khả năng muốn cống hiến của họ. Phần còn lại là một hệ thống quản trị phù hợp, sẽ đem lại hiệu quả như mong muốn.
Nguồn: Tạp chí Công Thương