Phát triển khoa học, công nghệ gắn liền với yêu cầu thực tiễn ở PVN

Là một tập đoàn nhà nước lớn, có ảnh hưởng nhiều mặt đến kinh tế, xã hội của đất nước, tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN nhờ nắm vững khoa học công nghệ và áp dụng vào thực tế đã nội địa hóa nhiều dự án và mang lại nhiều hoạt động hiệu quả. Phát triển khoa học, công nghệ gắn liền với yêu cầu thực tiễn là một định hướng quan trọng đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo đuổi trong nhiều năm qua. Dưới sự chỉ đạo của PVN, các tổng công ty, doanh nghiệp trực thuộc tập đoàn đã không ngừng sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ vào những công trình quan trọng của đất nước, tăng tỷ lệ nội địa hoá của nhiều máy móc thiết bị. Có thể kể đến một số ví dụ như Công ty Cổ phần Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) hay Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro. Với công trình “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam”, PV Shipyard đã vinh dự nhân được giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ. Ông Phan Tử Giang, chủ tịch hội đồng quản trị của công ty cho biết: “Chúng tôi đã áp dụng các quy trình thiết kế tiên tiến trong công nghệ chế tạo giàn khoan hiện đại, với một trong những phần mềm thiết kế tiên tiến nhất hiện nay trên thế giới. Đồng thời, chúng tôi đã ứng dụng quy trình quản lý công tác chế tạo giàn khoan theo những mô thức hiện đại”. Có thể kể đến đó là PV Shipyard đã tăng tỷ lệ nội địa của Dự án Chế tạo giàn khoan Tam Đảo 05 lên 39% so với Dự án Tam Đảo 03 là 34,7%. Rút ngắn thời gian thi công Dự án Tam Đảo 05 xuống 32 tháng mặc dù khối lượng chế tạo gấp 1,5 lần so với khối lượng chế tạo của Dự án Tam Đảo 03. Kết quả này có được chính là do đội ngũ kỹ sư của công ty ngay từ những ngày đầu đã đảm trách phần thiết kế chi tiết, thiết kế thi công để có thể tối ưu hoá các công đoạn sản xuất và lắp ráp. Một tên tuổi khác không thể không kể đến là liên doanh Vietsovpetro. Lợi ích công trình “Nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện công nghệ thu gom, xử lý, vận chuyển dầu thô trong điều kiện đặc thù của các mỏ Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro và các mỏ kết nối trên thềm lục địa Nam Việt Nam” mang lại hiện đã lên tới 779,7 triệu USD. Với khả năng thu gom xử lý và vận chuyển dầu thô nhiều paraffin là loại dầu thô đặc trưng ở thềm lục địa nước ta, công nghệ mới đã giúp giảm trực tiếp chi phí khai thác, vậnh hành và xây dựng, rút ngắn thời gian đưa các khu vực mới của mỏ vào khai thác. Trên cơ sở các kết quả thành công của công nghệ xử lý và vận chuyển dầu tại mỏ Bạch Hổ và Rồng, Vietsovpetro đã tiếp tục mở rộng, phát triển và đưa vào khai thác các mỏ nhỏ. Ngoài ra, bằng việc thực hiện hầu hết các công đoạn, làm tổng thầu EPCI các dự án chân đế nước sâu trên 100m nước, Vietsovpetro không những giúp tiết kiệm chi phí rất lớn cho ngành dầu khí Việt Nam mà còn chứng minh được tiềm lực của nước ta trong lĩnh vực xây lắp công trình biển. Các công trình ở nước ta sẽ không còn lệ thuộc quá nhiều vào các nhà thầu nước ngoài. Thực tiễn thành công ở Vietsovpetro và PV Shipyard là những minh chứng quan trọng nhất cho thấy định hướng của PVN hoàn toàn chính xác. Nghiên cứu khoa học công nghệ nếu gắn với thực tiễn của doanh nghiệp, sẽ luôn mang lại giá trị tối ưu không chỉ ở quá khứ, hiện tại mà cả trong tương lai.

Văn phòng NSCL tổng hợp

Tin mới