Phân tích SWOT cá nhân: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”

Năng suất lao động hiệu quả đang là một vấn đề khiến nhiều DN “đau đầu” tìm lời giải. Phương pháp phân tích SWOT (điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức) cá nhân được nhiều DN thế giới sử dụng thành công. Còn với DN VN thì sao ? Vừa qua, tổ chức lao động quốc tế ( ILO) đã đưa ra kết quả của cuộc khảo sát về sự thỏa mãn của người lao động tại Nhật Bản. Đáng chủ ý là sự thỏa mãn cao nhất của người lao động Nhật Bản là sự quan tâm đến phát triển cá nhân. “Bản đồ” cá nhân Thực tế, khảo sát này của ILO với DN Nhật Bản cũng phù hợp với tình hình thực tế ở nhiều DN lớn, thành công. Kết quả đã minh chứng rằng, một DN có chiến lược sản xuất kinh doanh hoàn hảo, với công nghệ hiện đại, với nguồn vốn rất mạnh nhưng yếu tố quyết định để doanh nghiệp phát triển thành công lại là yếu tố con người. Có thể nói, công cụ phân tích SWOT dành cho cá nhân là tấm “bản đồ”, trong đó chỉ ra cho cá nhân biết phát huy điểm mạnh, khắc phục hoặc giảm bớt điểm yêu. Sử dụng tấm “bản đồ” này để tận dụng cơ hội, tránh những rủi ro và giải quyết những rắc rối trong công việc – cuộc sống. Đây còn là công cụ đắc lực giúp người lao động xử lý trôi chảy, hiệu quả các công việc trong môi trường công sở cũng như trong cuộc sống. SWOT cũng là công cụ để tạo động lực làm việc hăng say, tăng năng suất lao động (thay vì bi quan, bế tắc trong xử lý công việc và cuộc sống). Tuy nhiên, để kết quả phân tích SWOT dành cho cá nhân hiệu quả và tính ứng dụng cao trong thực tế thì kế hoạch hành động với kết quả phân tích SWOT là rất quan trọng. Bởi lẽ, trong cuộc sống cũng như trong công việc, việc xác định mục tiêu cho mỗi hoạt động là điều rất quan trọng và mô hình “SMART” là công cụ hữu ích. Để hiện thực hóa mục tiêu này, bước tiếp theo là xây dựng bản đồ chiến lược phát triển cá nhân (Strategy map). Một chiến lược tốt mà không có kế hoạch chính xác để thực hiện chiến lược đó thì chiến lược đó chỉ là trên giấy. Bởi vậy, người Nhật đã áp dụng phương pháp HO-REN-SO (HO – Thiết lập kế hoạch; REN- tương tác; SO- Thông tin tư vấn) để thiết lập kế hoạch mục tiêu cá nhân phù hợp với chiến lược phát triển cá nhân. Nâng cao năng suất lao động bền vững Theo các chuyên gia của Nhật Bản, đa số các kế hoạch hành động của cá nhân không thành công là do thiếu sự cân bằng giữa các nhân tố liên quan đến mục tiêu cá nhân. Trong trường hợp đó, sẽ áp dụng thẻ điểm cá nhân (Balanced-Scorecard) để điều chỉnh quá trình làm việc, cuộc sống tương ứng với các chiến lược SWOT, cải thiện kết nối bên trong và bên ngoài, kiểm soát quá trình làm việc của cá nhân để đạt được mục tiêu. Đôi khi mục tiêu cá nhân thường bị lệch hướng hoặc không đạt hiệu quả cao do quá trình thực hiện mục tiêu chưa chuẩn xác, chu trình PDCA (Plan, Do, Check, Act) dành cho cá nhân sẽ khắc phục được những nhược điểm này. Nhưng dù sao thì từ lý thuyết đến thực tiễn vẫn là một quá trình gian nan, việc áp dụng những công cụ hữu ích để đưa kết quả phân tích SWOT như: phân tích Root Cause để tìm bản chất cốt lõi của Điểm mạnh – Điểm Yếu – Cơ hội – Thách Thức; Công cụ 3C để nhận biết những áp lực trong môi trường làm việc và cuộc sống đối với mỗi người nhằm cải thiện chính mình hay áp lực cạnh tranh… sẽ giúp cho DN, cá nhân hoàn thiện mình để nâng cao năng suất lao động và phát triển bền vững.

Nguồn: enternews.vn

Tin mới