PC Thanh Hóa: Giải pháp đột phá giảm tổn thất điện năng

Trong ngành điện, tiêu chí cơ bản để đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh là giảm tổn thất điện năng (TTĐN). Với quyết tâm giảm mạnh chỉ số TTĐN, Công ty điện lực Thanh Hóa (PC Thanh Hóa) đã đề ra các giải pháp đồng bộ cần triển khai trên toàn hệ thống Điện lực trực thuộc như sau: Về giải pháp tổ chức, Công ty đã tiến hành kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện chương trình giảm tổn thất điện năng (TTĐN), các tiểu ban chỉ đạo thực hiện chương trình tại các Điện lực trực thuộc. Công ty giao chỉ tiêu TTĐN đến từng Điện lực thành viên, hàng tháng tổ chức họp, phân tích, đánh giá tình hình thực hiện và tiến hành động viên, khen thưởng kịp thời những đơn vị thực hiện đạt kết quả tốt. Đối với giải pháp quản lý kỹ thuật – vận hành: Công ty đẩy mạnh chương trình chống quá tải, chống non tải các trạm biến áp; Thực hiện đo dòng cân pha các máy biến áp theo quy định, để tránh hiện tượng lệch pha lớn, thực hiện việc hoán chuyển các máy biến áp phân phối để chống non tải, chống quá tải theo từng tháng; Kiểm tra, xác định các điểm nóng về quá tải, các đường dây tổn thất cao để xây dựng phương án vận hành tối ưu và đề xuất các phương án hợp lý về chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật… Đẩy mạnh sử dụng phần mềm Smart Simulator để tính toán tổn thất, qua đó phân tích nguyên nhân, giải trình các xuất tuyến trung áp có tổn thất lớn hơn tính toán để tìm giải pháp khắc phục; Thực hiện phát quang hành lang tuyến đường dây trung áp, các khu vực có đường dây hạ thế lưới trần… và cho thu hồi các nhánh lưới trần cũ; kiểm tra đường dây ngày đêm theo đúng tần suất để phát hiện sứ vỡ, sứ kém chất lượng và kịp thời thay thế. Với giải pháp quản lý kinh doanh, PC Thanh Hóa đang đẩy mạnh hiện đại hóa hệ thống đo đếm, lắp đặt 100% công tơ điện tử 3 pha cho khách hàng chuyên dùng và thực hiện lắp đặt hệ thống thu thập dữ liệu từ xa đối với các khách hàng có TBA riêng sử dụng công tơ 3 pha 3 giá với hơn 1500 điểm đo; Khai thác các tiện ích của việc lắp hệ thống thu thập dữ liệu đối với các khách hàng chuyên dùng và sinh hoạt như: Quản lý hệ thống đo đếm, giám sát chất lượng điện áp, công suất sử dụng điện… ; Áp dụng công nghệ mới trong công tác ghi chỉ số như: gậy ghi chỉ số, HHU (RF), đặc biệt là áp dụng chỉ số từ xa đối với các công tơ công nghệ PLC… Về giải pháp đầu tư: Đây là giải pháp quan trọng, mang tính quyết định trong công tác giảm TTĐN, công ty xây dựng, đầu tư cải tạo, ra soát, tính toán lập danh mục đầu tư theo thứ tự ưu tiên để từng bước lựa chọn đưa vào kế hoạch đầu tư. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng, phân vùng đánh giá các khu vực, các trạm biến áp có tổn thất cao để có biện pháp xử lý, theo dõi hiệu quả đầu tư từng dự án, từ đó phân tích đánh giá nhằm sử dụng hiệu quả cao nhất nguồn vốn mang lại. Với hệ thống giải pháp toàn diện như trên, cùng với sự nỗ lực thực hiện của Ban lãnh đạo và tập thể CBCNV Công ty, tin rằng PC Thanh Hóa sẽ hoàn thành mục tiêu giảm TTĐN ở mức dưới 8,6% vào cuối năm 2016.

Văn phòng NSCL (tổng hợp)

Tin mới