OECD quan tâm đến năng suất và phát triển bao trùm ở Đông Nam Á

Ngày 14/6, tại Hà Nội, hơn 200 đại biểu và chuyên gia các nước thành viên OECD, ASEAN, Việt Nam và quốc tế đã tham gia Diễn đàn Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về khu vực Đông Nam Á lần thứ ba. Sự kiện do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với OECD tổ chức.

Với chủ đề “Nâng cao năng suất gắn liền với phát triển bao trùm ở Đông Nam Á”, Diễn đàn có ba phiên thảo luận, bao gồm: Nâng cao năng suất ở khu vực Đông Nam Á; Liên kết các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong chuỗi giá trị toàn cầu và Phát triển bao trùm.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh cải thiện năng suất và phát triển bao trùm là nhu cầu cấp thiết đối với các nước ASEAN. Theo đó, chú trọng tạo nhiều việc làm có năng suất cao, chuẩn bị tốt về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực để tranh thủ hiệu quả cơ hội và lợi ích của các liên kết kinh tế khu vực, nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển, giáo dục-đào tạo.

Đồng quan điểm, Phó Tổng thư ký OECD Douglas Frantz cho rằng, các nước ASEAN đang đối mặt với thách thức suy giảm năng suất, gia tăng bất bình đẳng xã hội và nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Để giải quyết các vấn đề này, các nước ASEAN cần tăng cường đầu tư vào giáo dục đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng cho người lao động, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, bảo đảm an sinh xã hội…

Phía Nhật Bản, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Masakazu Hamachi đánh giá: “các nước ASEAN đang đứng trước nhiều thách thức như chênh lệch trình độ phát triển, kết nối hạn chế, năng suất suy giảm, nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”… Ông Masakzu Hamachi khẳng định Nhật Bản cam kết tiếp tục hỗ trợ các nước ASEAN nhằm thúc đẩy tăng năng suất và phát triển bao trùm. Nhật Bản cũng sẽ tiếp tục phối hợp với OECD thúc đẩy triển khai chương trình Đông Nam Á của OECD trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, OECD cũng đã tiến hành công bố Báo cáo triển vọng kinh tế Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ năm 2016. Theo báo cáo, mức tăng GDP thực tế của các nước châu Á mới nổi được dự đoán ổn định ở mức 6,4% trong năm 2016 và 6,3% trong năm 2017. Hoạt động kinh tế thực trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN 10) được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình là 4,9% trong năm 2016. Nền kinh tế Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 7,4%, trong khi quá trình tái cân bằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ khiến kinh tế quốc gia này dừng lại ở mức 6,5% trong năm 2016.

OECD gồm 30 quốc gia thành viên, gồm: Mỹ, Canada, Áo, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hy Lạp, Iceland, Ireland, Ý, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Nhật Bản, Phần Lan, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Mexico, Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Slovakia. OECD hoạt động với mục đích chia sẻ kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm phát triển cho các nước đang phát triển và các nền kinh tế đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường.

Nguồn: baocongthuong.com.vn

Tin mới