Ngành dệt may đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế nước ta. Tính đến năm 2015, trung bình mỗi năm có khoảng 80 tỷ sản phẩm may mặc được sản xuất trên toàn thế giới, trong đó 3,9 tỷ sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp nước ta có nhiều lợi thế về nguồn lao động dồi dào và khéo léo, có thể sản xuất được nhiều mặt hàng đa dạng như áo sơ mi, áo khoác, quần dài, quần áo thể thao tới quần áo lót, áo thun, váy, đồ vest… Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn có những hạn chế gây ảnh hưởng đến năng suất sản phẩm.
Hạn chế về thời gian giao hàng
Các doanh nghiệp ngành May của Việt Nam chủ yếu sản xuất dựa theo đơn đặt hàng, thiếu và yếu trong khâu thiết kế. Hạn chế lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam là không chủ động được nguyên vật liệu đầu vào trong nước: khi xảy ra rủi ro nguyên vật liệu chậm trễ, các công ty sẽ không đáp ứng được việc giao hàng đúng thời hạn, dẫn đến các trường hợp phát sinh chi phí phạt khi thực hiện hợp đồng và không đủ khả năng tài chính để xử lý hậu quả. Để giải quyết hạn chế này, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa về nguồn hàng, tận dụng triệt để tiềm năng của các nhà cung cấp trong nước và áp dụng các hệ thống quản lý để kiểm soát tốt hơn quá trình sản xuất của mình.
Hạn chế về năng suất may, do thời gian dừng chờ nguyên liệu nhập khẩu
Thời gian sản xuất trung bình của hàng Việt Nam còn kém Thái Lan, Ấn Độ: Đối với hàng may mặc, tổng thời gian sản xuất là yếu tố lớn tác động đến quyết định đặt hàng của khách hàng quốc tế. Thời gian sản xuất ở đây bao gồm thời gian từ lúc các nhà bán lẻ/ các hãng đặt đơn hàng với các công ty may Việt Nam cho tới khi hàng sẵn sàng để giao. Thời gian sản xuất trung bình của hàng Việt Nam là 60-90 ngày, ngắn hơn so với Bangladesh và Campuchia (80-120 ngày) nhưng dài hơn so với Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan (40-90 ngày). Nhìn chung sự chênh lệch về thời gian sản xuất chủ yếu là do sự khác biệt về thời gian nhập khẩu nguyên vật liệu và vận chuyển về Việt Nam; và cách thức xử lý đơn hàng của Việt Nam còn yếu kém.
Không những cần hiểu rõ những hạn chế, các doanh nghiệp nước ta cần nhận thức được thế mạnh của mình, từ đó mới phát huy được tiềm năng cải thiện năng suất chất lượng.
Công đoạn may – Thế mạnh của ngành may Việt Nam
Ngành may đang có lợi thế lớn trên trường quốc tế về công đoạn may. Đây là công đoạn được đánh giá là có lợi thế nhất trong chuỗi: Sợi – Dệt nhuộm – May – Phân phối sản phẩm. Năng suất chất lượng sản phẩm may của một số đơn vị trong ngành có thể tương đương với một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới xét trên góc độ cùng công nghệ sử dụng. Điều này cũng chỉ ra rằng kĩ thuật của công nhân may là một trong những thế mạnh mà doanh nghiệp cần chú trọng phút huy.
Tuy nhiên xét về tổng thể thì năng suất ngành may của Việt Nam mới chỉ đạt mức trung bình khá. Ví dụ: Năng suất áo Sơ mi: 17-35 sơ mi/lao động/ca làm việc; Năng suất Quần: 14-25 SP/lao động/ca làm việc. Trên cơ sở đầu tư bổ sung thiết bị chuyên dùng và tự động hóa, năng suất của các doanh nghiệp may của Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng để cải thiện năng suất.
Văn phòng NSCL tổng hợp