Nữ công nhân có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật

Cứ mỗi ngày trong tuần, người phụ nữ nhỏ nhắn, tháo vát Nguyễn Thị Ngọc Mai (công nhân dệt, Xí nghiệp Bao bì Vĩnh Tuy, Hà Nội) lại đến xí nghiệp từ sáng sớm. Từ những việc thường ngày, tiếp xúc với công cụ máy móc, nữ công nhân dệt Ngọc Mai đã có những sáng kiến cải tiến kỹ thuật đem lại nhiều lợi ích cho công ty.

Có mặt tại Xí nghiệp Bao bì Vĩnh Tuy từ sáng sớm, chúng tôi phần nào thấu hiểu được nỗi vất vả của những người công nhân nơi đây. Tiếng động cơ của máy móc và bụi của sợi chỉ vải khiến không khí trở nên ngột ngạt với những người mới bước chân vào nơi đây lần đầu. Tuy vậy, đây lại chính là ngôi nhà thứ hai mà chị Nguyễn Thị Ngọc Mai (SN 1978), công nhân dệt có tay nghề bậc 3/5 đã gắn bó cả chục năm nay. Trước những khó khăn trong quá trình làm việc, chị Ngọc Mai đã nảy ra nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật góp phần giảm những khó khăn môi trường sản xuất, đồng thời đem lại nhiều lợi ích cho công ty. Bằng tinh thần, trách nhiệm cao trong công việc, chị Ngọc Mai vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2016); là một trong 10 tấm gương tiêu biểu được nhận “Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam” năm 2017 và nhiều phần thưởng khác… “Là người lao động trực tiếp ở công đoạn dệt của Xí nghiệp, qua nhiều năm, bản thân tôi thấy có những khó khăn, bất cập, máy móc không được như ý muốn. Tôi luôn trăn trở nghĩ ra giải pháp để thay đổi, cải tiến để công việc thuận lợi hơn, làm sao để sản lượng, năng suất và chất lượng ra thị trường ngày tốt hơn”, chị Ngọc Mai chia sẻ.

Chị Ngọc Mai dẫn chúng tôi đi thăm, giới thiệu những sáng kiến của chị đang được áp dụng tại xí nghiệp, trong đó có thành quả của sáng kiến “Nghiên cứu sử dụng dầu Emeson thay dầu Silicol để làm mát và bôi trơn sợi dệt”. Trước đây, các máy dệt bằng dầu Silicol – loại dầu không có trong nước, giá thành cao, không chủ động trong sản xuất, xí nghiệp của chị Mai cũng đã thử nhiều loại dầu bôi trơn khác nhưng không hiệu quả, hay gây đứt sợi trong quá trình dệt. Gắn bó với công việc lâu năm, chị Mai đã mạnh dạn nghiên cứu, thử nghiệm nhiều lần và tìm ra tỷ lệ thích hợp cho dầu Emesol với nước 1% là dung dịch thay thế. Sau thời gian áp dụng sáng kiến mới, đã mang lại được kết quả khả quan, các máy dệt sử dụng tốt, giảm tần suất đứt sợi, từ 30 lần xuống còn 20 lần/ca, trong khi đó dầu Emeson rất dễ pha chế và sử dụng. Không dừng lại ở đó, với nhiều năm kinh nghiệm làm trong nghề, chị Mai còn đề xuất với xí nghiệp sáng kiến “Thay đổi chiều rộng sợi vải dệt tại công đoạn tạo sợi và phân bố lại sợi dọc trong máy dệt”. Giải thích với chúng tôi, chị cho biết: “Cách làm cũ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, tạo ra cuộn vải quá to hoặc nhỏ hơn cũng tác động đến các công đoạn tiếp theo, gây lãng phí nguyên liệu. Tôi nghiên cứu, tìm hiểu và có sáng kiến chỉnh kích thước sợi vải và bố trí lại sợi vải dệt hợp lý, điều chỉnh sợi vải dọc theo một sơ đồ nhất định”. Kết quả sáng kiến này đã giúp cho năng suất lao động tăng lên, giảm tiêu hao vật tư, khoảng 50 kg nhựa/ca, lượng phế thải cũng giảm từ năm đến tám kg/ca còn hai đến bốn kg/ca. Hiệu quả kinh tế từ sáng kiến mang lại giúp tiết kiệm khoảng 1,5 triệu đồng/ca và khoảng một tỷ đồng/năm chi phí sản xuất cho đơn vị.

Không chỉ say mê với công việc, chị Ngọc Mai còn tích cực tham gia hoạt động đoàn thể, các phong trào thi đua lao động sản xuất của đơn vị; quan tâm đến nữ tổ viên khác và tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện của cộng đồng. Không chỉ vậy, đối với gia đình chị luôn là người vợ, người mẹ chu toàn được nhiều chị em trong xí nghiệp ngưỡng mộ, coi đó là tấm gương để học tập. Chị Nguyễn Thị Thu Hằng, đồng nghiệp tại tổ dệt Xí nghiệp Bao bì Vĩnh Tuy chia sẻ: “Tôi làm cùng chị Mai đã 10 năm. Chị là người rất nhiệt tình trong công việc, giúp đỡ cho mọi người, và cũng là kíp trưởng làm cho mọi người trong tổ đoàn kết với nhau. Những sáng kiến của chị giúp cho tổ tiết kiệm được nhiều chi phí. Tuy bận việc gia đình, nhưng chị Mai vẫn luôn làm tròn trách nhiệm, nhiệt tình, tham gia hoạt động của đoàn thể. Tôi rất khâm phục chị về điều đó”.

Nữ công nhân Ngọc Mai luôn tâm niệm, mỗi công việc đem lại lợi ích cho xí nghiệp, công ty cũng chính là đem lại niềm hạnh phúc của bản thân, gia đình. Ở bất kỳ vị trí công tác nào cũng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng đổi mới, cải tiến, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công việc mà mình đảm nhiệm để góp ích cho cộng đồng, xã hội.

Nguồn: nhandan.com.vn

Tin mới