Ninh Thuận: Hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp phát triển về cả chất và lượng

Tỉnh Ninh Thuận đã và đang có nhiều chính sách để thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp cả về chất và lượng, hướng đến mục tiêu năm 2020 trên địa bàn tỉnh có khoảng 4.000 doanh nghiệp hoạt động.

Quán triệt phương châm “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, tỉnh Ninh Thuận tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ và các Chỉ thị 26, Chỉ thị 07 của Thủ tướng Chính phủ.

Tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều hoạt động nhằm tăng cường tương tác với doanh nghiệp thông qua tổ chức gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp theo chuyên đề định kỳ hàng tháng và chuyên mục hỏi – đáp trực tuyến, nhằm kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, cũng như để lắng nghe các hiến kế trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế – xã hội từ các doanh nghiệp và nhà đầu tư đối với tỉnh.

Riêng trong năm 2018 tỉnh Ninh Thuận đã ban hành 4 kế hoạch khung về hỗ trợ khởi nghiệp: Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025; kế hoạch về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025; kế hoạch về hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025; kế hoạch hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo sự lan tỏa tinh thần khởi nghiệp bước đầu trên địa bàn tỉnh.

Được biết, trong năm 2019, tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp theo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tạo đột phá trong khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh sang mô hình doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khu vực tư nhân cả về chất và lượng, hướng đến mục tiêu năm 2020 có khoảng 4.000 doanh nghiệp hoạt động.

Hiện nay, Ninh Thuận đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp. Theo đó, trong năm 2019 tỉnh phấn đấu thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền ở cấp độ 4 theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ; thực hiện có hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý và trả lời kiến nghị của doanh nghiệp thông qua Chuyên mục hỏi – đáp trực tuyến; tăng cường phối hợp giải quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng gặp mặt đối thoại doanh nghiệp và nhà đầu tư, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 02, 35 của Chính phủ. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai và các cơ chế, chính sách về ưu đãi đầu tư, về hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, về xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, đào tạo nguồn nhân lực…

Nguồn: VCCI

Tin mới