Trăn trở suy nghĩ trong lao động, những người thợ trẻ đã có những sáng kiến làm lợi hàng tỉ đồng cho đơn vị mình và lan tỏa tinh thần sáng tạo đến nhiều người khác. Họ là những người được tôn vinh tại giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc năm 2018 do T.Ư Đoàn tổ chức.
Giảm chi phí.
Anh Nguyễn Văn Thái (30 tuổi), cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH MTV Apatit Lào Cai, mới có 6 năm công tác nhưng đã có 10 sáng kiến được áp dụng vào sản xuất, trong đó 5 sáng kiến nổi bật mang lại giá trị hàng tỉ đồng cho đơn vị.
Với sáng kiến “Điều chỉnh vị trí đổ thải để giảm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tại khai trường 22 và khai trường 10” được Hội đồng sáng kiến công ty công nhận là giải pháp hợp lý hóa sản xuất trong năm 2017, anh Thái đã góp phần làm lợi hơn 2,6 tỉ đồng cho doanh nghiệp. Anh Thái chia sẻ trong quá trình làm việc, anh luôn suy nghĩ để tìm ra những cái mới, tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện và mang lại hiệu quả kinh tế cao. “Qua nghiên cứu toàn bộ hệ thống bãi thải, kết hợp với khảo sát thực tế, tôi nhận thấy có nhiều bất cập như: việc đền bù giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn, diện tích bãi thải này được giải phóng không đáp ứng được sản xuất… Trong khi đó, có một khai trường khác có thể tận dụng làm bãi thải đất đá trước khi đóng cửa mỏ. Vì thế, tôi đề xuất giải pháp điều chỉnh vị trí đổ thải…”, anh Thái cho biết.
Tận dụng phế liệu để sản xuất
Với 5 sáng kiến nổi bật được công nhận, anh Trần Minh Tuấn (28 tuổi), chuyên viên Phòng Kỹ thuật công nghệ mỏ, Công ty than Quang Hanh – TKV (Quảng Ninh), được tôn vinh là tài năng trẻ Đoàn Than Quảng Ninh và tài năng trẻ tỉnh Quảng Ninh năm 2017. Minh Tuấn cho biết sáng kiến “Hợp lý hóa công tác quản lý vật tư thu hồi, tổ chức quy hoạch lại mặt bằng kho vật tư, phân loại tại chỗ vì chống cũ” góp phần vào việc tiết giảm chi phí sản xuất (năm 2017) đã làm lợi cho công ty hơn 3,2 tỉ đồng. “Sau khi đưa vào thực hiện quy hoạch lại mặt bằng kho vật tư và phân loại đánh giá chất lượng vật tư thu hồi trong năm 2017, tôi đã tổ chức phân loại vì chống lò cũ, để tận dụng đưa vào tái sản xuất 1.756 bộ vì chống các loại có giá trị làm lợi đạt hơn 3,2 tỉ đồng. Đối với vật tư không có khả năng đưa vào phục hồi tái sử dụng, tôi lại tiếp tục gia công thành các loại vật tư khác (tà vẹt thép, bích sắt, sắt xi tời, kẹp băng tải…) phục vụ sản xuất hằng tháng”, anh Tuấn kể.
Ngoài ra, anh còn nhiều sáng kiến khác làm lợi cho công ty hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, anh Tuấn rất tâm đắc với sáng kiến tận dụng các loại thép phế liệu đưa vào gia công thành cột chống lò, thay vì công ty phải mua các cột chống. “Tôi cùng anh em đã cắt các phế liệu thép thành các ống, sau đó hàn lại thành các cột chống lò, để không phải mua với vài triệu đồng một cột chống. Sáng kiến này được đề xuất và triển khai thực hiện hiệu quả, đã tiết kiệm chi phí, tận thu tối đa các loại vật liệu trong gia công trong năm 2016 và tiếp tục triển khai cho đến nay”, anh Tuấn cho hay.
Nguồn: Thanhnien.vn