Những sáng kiến cải tiến của lao động ngành may

Trong quá trình làm việc, nhiều cán bộ, công nhân viên (CB-CNV) ngành may đã đóng góp cho doanh nghiệp của họ nhiều sáng kiến cải tiến giúp giảm lãng phí và nâng cao năng suất.

Tại Công ty TNHH Apparel Far Eastern VN, anh Nguyễn Trọng Tiến, công nhân bộ phận kỹ thuật, là một điển hình như vậy. Gần đây, anh Tiến đã đạt giải nhất về sáng tạo, cải tiến khi anh đã có sáng kiến mới trong kỹ thuật may túi áo. Nếu như trước đây, may một cái túi phải mất bốn lần ép để tạo hình, thì nhờ anh Tiến sáng chế ra máy rập, công nhân chỉ cần bỏ tấm vải vào máy rập này để ép một lần là đã may được.

Theo đánh giá của ban lãnh đạo Công ty thì cải tiến này của anh Tiến đã giảm được 70% thời may túi, tiết kiệm khoảng 300 triệu đồng/năm. Trước đó anh Tiến đã sáng chế ra máy rập làm bằng mika, có máy này, công nhân bỏ qua giai đoạn vẽ và ủi để định hình chiếc áo. Anh Tiến chia sẻ: “Tôi để ý các thao tác của công nhân, thấy có thao tác dư thừa nên suy nghĩ để cải tiến, tiết kiệm thời gian, nguyên vật liệu. Đối với tôi, việc Công ty khen thưởng sáng kiến là nguồn động lực, chứ không phải vì khen thưởng mà tôi phải cố gắng để làm, vì tôi luôn coi đó là đam mê, trách nhiệm, là công việc mà mình phải nỗ lực.”

Chị Hồ Thị Thiên, Tổ trưởng sản xuất, Công ty TNHH May Pie Rich là lao động tiêu biểu tại doanh nghiệp. Chị không chỉ hoàn thành công việc được giao mà còn có những sáng kiến hữu ích tiết kiệm nguyên liệu, cải thiện máy móc hoạt động hiệu quả hơn. Trong đó, phải kể đến sáng kiến cải tiến máy may tránh đứt chỉ. Sáng kiến này đã tiết kiệm thời gian và chi phí cho công ty, thu nhập tăng khoảng 70 triệu đồng/tháng/chuyền, giảm tỷ lệ tái chế do đứt chỉ, bỏ mũi 50%. “Với những sáng kiến hữu ích, được doanh nghiệp đánh giá cao, nhân rộng tại các xưởng, tôi có thêm động lực để tiếp tục nâng cao tay nghề, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của doanh nghiêp”, chị Thiên bộc bạch.

Trong quá trình làm việc chị Nguyễn Thị Ngân, Tổng công ty May 10 luôn tìm tòi, sáng tạo đưa ra nhiều sáng kiến cải tiến giúp tăng năng suất cho chuyền quần. Điển hình là sáng kiến cải tiến “chặn đầu cạp tăng đơ lần, lót bằng máy 1 kim”. Nói về hiệu quả từ sáng kiến của chị Ngân, chị Đinh Thị Loan, Trưởng ca nhận xét: “Trước đây với chuyền quần chúng tôi sử dụng tới 8 lao động nhưng vẫn thường xuyên ùn hàng. Có thời điểm ùn tới 2.000 sản phẩm. Nhưng sau đó áp dụng sáng kiến cải tiến của chị Ngân chỉ cần sử dụng 2 lao động, giảm 90 giây/1 sản phẩm và lao động khác vào chuyền để hỗ trợ. Ví dụ với mã hàng hơn 21 nghìn sản phẩm sẽ làm lợi hơn 30 triệu đồng. Ngoài ra, còn tiếp tục làm lợi cho các mã hàng tăng đơ sản xuất cho những năm tiếp theo.”

Văn phòng NSCL tổng hợp

Tin mới