Tiêu chuẩn về Hệ thống quản lý An toàn sức khỏe nghề nghiệp OHSAS được Viện tiêu chuẩn Anh BSI xây dựng và ban hành vào năm 1999 và được sửa đổi vào năm 2007. OHSAS từ lâu đã cho thấy những quy định và các yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp.
Với tiêu chuẩn này, tổ chức không chỉ cải thiện mối quan hệ với cộng đồng, với các bên liên quan mà có bày tỏ được sự quan tâm đến an toàn và sức khỏe người lao động, giúp người lao động có được sự an tâm khi làm việc đồng thời cải thiện nhiệt huyết của họ cho công việc.
Tuy nhiên có một thực tế là tại Việt Nam hiện nay, những tổ chức áp dụng OHSAS chỉ yếu là các công ty liên doanh, công ty có vốn nước ngoài còn những doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn đang loay hoay với những khó khăn khi áp dụng OHSAS.
Vậy đâu là những khó khăn khi áp dụng tiêu chuẩn OHSAS tại các doanh nghiệp vừa vả nhỏ?
Thứ nhất: Khó khăn về tài chính
Với tình hình kinh tế bấp bênh như hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều đưa ra chính sách thắt lưng buộc bụng để tồn tại, cho nên điều tất yếu mà các doanh nghiệp nhỏ lẻ lo ngại là phải đầu tư chi phí lớn để nâng cấp nhà xưởng, phổ biến tiêu chuẩn cho nhân viên, đo kiểm môi trường làm việc, cải tiến máy móc, trang bị đồ bảo hộ đạt chuẩn…
Thứ hai: Khó khăn về nhận thức
Vấn đề về chất lượng luôn được các doanh nghiệp đặt lên hàng đầu, do đó các DNVVN đều ưu ái áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001 mà không hề nghĩ đến những lợi ích lâu dài mà OHSAS đem lại. Chưa kể nỗi lo giảm năng suất lao động do các nhân viên trong doanh nghiệp không có thói quen sử dụng đồ bảo hộ cồng kềnh và không thực hiện đúng các quy tắc an toàn lao động.
Thứ ba: Khó khăn về năng lực của nhân viên
Để áp dụng hệ thống OHSAS 18001:2007 đòi hỏi doanh nghiệp phải xây dựng được một nhóm phụ trách OHSAS, trong đó, nhóm này sẽ được đào tạo để vận hành hệ thống cũng như đánh giá hệ thống. Công việc này đòi hỏi các thành viên trong nhóm phải am hiểu, có kiến thức cơ bản về lĩnh vực ATLĐ, để từ đó dự trù được các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại phát sinh trong quá trình làm việc và đồng thời đưa ra được biện pháp kiểm soát phù hợp. Đối với các DNVVN, điều kiện thiếu thốn nhân lực và tài chính chỉ cho phép họ bắt đầu từ những phương thức đơn giản như 5S, WISE…
Với rất nhiều những khó khăn mà DNVVN đang gặp phải thì yếu tố quyết định đến việc áp dụng tiêu chuẩn OHSAS là yếu tố nhận thức về AT&SKNN. Chỉ đến khi lãnh đạo doanh nghiệp nhận thức được rằng, chi phí và năng suất bị mất đi khi áp dụng tiêu chuẩn OHSAS không nhiều bằng chi phí khắc phục sự cố xảy ra về an toàn sức khỏe, thiệt hại về người và tài sản cũng như thời gian mất đi để khắc phục hậu quả và phục hồi sản xuất thì tiêu chuẩn OHSAS mới thực sự được quan tâm.
Hiện nay, thay thế cho OHSAS 18001, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO đã cho ban hành ISO 45001 và kỳ vọng vẫn sẽ đạt được những kết quả tích cực mà OHSAS đã làm được.
Công ty tư vấn Á Châu (AHEAD) đang tiếp tục tìm kiếm các doanh nghiệp, đặc biệt thuộc các ngành dệt may, da giày, nhựa, hóa chất, năng lượng, thép, cơ khí, điện tử-tin học, khoáng sản cần triển khai Hệ thống quản lý An toàn và sức khỏe nghề nghiệp theo tiêu chuẩn OHSAS 18001/ISO 45001 trong giai đoạn 2018-2019 dưới sự hỗ trợ của Bộ Công Thương.