Những điểm mạnh, điểm yếu của công nghệ RFID so với công nghệ nhận diện mã vạch

Công nghệ RFID và công nghệ nhận diện mã vạch là hai công nghệ nhận dạng phổ biến nhất trên thế giới giúp nhận diện nhanh các vật thể. Rất nhiều các ứng dụng của hai công nghệ này đã được áp dụng trong nhiều lĩnh vực như dịch vụ, sản xuất, thương mại và mang lại hiệu quả như nâng cao năng suất, chất lượng.

Hiện nay mặc dù công nghệ RFID có rất nhiều ưu điểm nổi trội và tiềm năng hơn so với công nghệ nhận diện mã vạch, được định hướng là công nghệ nhận diện của tương lai, tuy nhiên vẫn có những điểm yếu mà RFID cần phải khắc phục để đạt mục tiêu này. Bài viết này xin được so sánh hai công nghệ này theo một số phương diện nhất định.

Kích thước bộ nhớ và lưu trữ

Với việc sử dụng mã vạch mã hóa các dữ liệu cần truyền tải, công nghệ nhận diện mã vạch hiên nay chỉ có thể lưu trữ được lượng dữ liệu tối đa là 2000 ký tự theo loại mã vạch 2 chiều (QR code). Đây là một lượng dữ liệu khá nhỏ khi so sánh với thẻ RFID được tích hợp các chip nhớ với khả năng lưu trữ tới 128 kB và có thể còn tăng trưởng theo thời gian khi kích thước của chip nhớ ngày càng được thu gọn.

Khả năng ghi lại dữ liệu

Với công nghệ mã vạch, sau khi in mã thì việc sửa đổi dữ liệu là hoàn toàn không thể. Trong khi đó với thẻ RFID có chưa chứa các chip nhớ cho phép ghi lại dữ liệu tới hàng nghìn lần sẽ cho phép sửa đổi dữ liệu và sử dụng lại các thẻ này.

Phạm vi đọc và đường ngắm

Công nghệ mã vạch là công nghệ nhận diện bằng tín hiệu quang, do đó khi đọc mã vạch thì yêu cầu bắt buộc mã vạch phải nằm trên đường ngắm của đầu đọc và không bị cản trở bởi bất kì vật thể nào. Với công nghệ RFID, do sử dụng sóng vô tuyến để truyền dữ liệu với khả năng truyền tải qua nhiều loại vật liệu, thẻ RFID không có yêu về đường ngắm.

Phạm vi đọc mã vạch thông thường tối đa khoảng vài chục centimeter. Trong khi đó đối với công nghệ RFID con số này trải rộng từ vài centimeter tới vài meter tùy thuộc vào tần số sóng vô tuyến sử dụng.

Tính bảo mật

Do có những yêu cầu về đường ngắm, mã vạch có yêu cầu bắt buộc phải được in phía ngoài bao bì. Chính vì vậy, mã vạch có thể dễ dàng đọc được chỉ bằng một chiếc điện thoại cầm tay và bất kỳ ai cũng có thể thu thập được các dữ liệu mã hóa trên mã vạch. Công nghệ RFID cung cấp một mức bảo mật cao hơn nhiều với khả năng ngăn chặn bên thứ 3 đọc thẻ và chỉ có đầu đọc cung cấp đúng mã thẻ mới có khả năng đọc được dữ liệu.

Độ bền và khả năng đọc ổn định

Về vấn đề độ bền, mã vạch rất dễ bị ảnh hưởng của môi trường như bị bụi bao phủ, bị rách hoặc nhiễm vết bẩn dẫn tới khả năng không thể đọc được. Với thẻ RFID, các vấn đề này không ảnh hưởng chút nào với khả năng đọc và sử dụng thẻ.

Tuy vậy thẻ RFID lại không thể hoạt động tốt trong môi trường chứa kim loại hoặc chất lỏng bởi đây là các vật liệu chắn sóng vô tuyến. Ngoài ra việc việc bị trùng tần số hoạt động cũng dẫn tới RFID không thể hoạt động được.

Rào cản lớn nhất hiện nay ngăn cản sự tăng trưởng của công nghệ RFID chính là chi phí cho các thẻ. Trong khi mã vạch thường có giá dưới 0.01 đô la thì chi phí hiện tại cho một thẻ thụ động với phạm vi đọc vài cm là cao hơn rất nhiều.

Rất hy vọng trong tương lai, công nghệ RFID sẽ tiếp tục được hoàn thiện và áp dụng nhiều hơn vào trong sản xuất giúp nâng cao năng suất và chất lượng.

Văn phòng NSCL tổng hợp

Tin mới